Đề xuất 8 nhóm cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức

Ngày 7-1, Học viện Cán bộ TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách phát triển TP Thủ Đức. Tại đây, những vướng mắc về cơ chế, chính sách để phát triển TP Thủ Đức được nhiều chuyên gia mổ xẻ, phân tích.

Cần xác định rõ vị trí của TP Thủ Đức

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Thiện Trí, ĐH Luật TP.HCM, nhìn nhận việc thành lập TP Thủ Đức cũng là để giải tỏa áp lực đô thị hóa tại TP.HCM với hàng loạt cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, các cơ sở pháp lý này lại phát sinh nhiều bất cập, không đáp ứng với nhu cầu phát triển TP Thủ Đức như là một vệ tinh đích thực.

Theo TS Trí, với những quy định pháp luật hiện hành, mô hình về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng vẫn mang dáng dấp mô hình chính quyền địa phương bao lâu nay. “Chúng ta có nhiều cái mới nhưng không đủ vượt qua rào cản cơ chế quá lớn là cơ chế tập trung. Những cái mới này như là sự trải nghiệm mới và là cơ chế mới mang tính chất nhỏ giọt mà trung ương giao cho TP.HCM và TP Thủ Đức” - TS Trí nói.

TS Trí cho biết: Khi mới ra đời, TP Thủ Đức có nhiều âm hưởng nhưng sau một năm gần như mới dừng lại ở việc giải quyết câu chuyện tinh giản biên chế, vấn đề kinh tế - xã hội tại chỗ chứ chưa thấy tầm vóc mới của việc sáp nhập ba quận. Bà cho rằng trung ương cần nhìn thấy vấn đề này và mạnh dạn đưa ra giải pháp.

“Trung ương cần xác định rõ vị trí của TP Thủ Đức. Đó là một TP vệ tinh hay đơn giản là sự sáp nhập ba quận thành một. Nếu là TP vệ tinh thì phải cho nó sức sống tương xứng. Chứ gọi nó là một TP thuộc TP, một TP mới, cực tăng trưởng mới nhưng không cho cơ chế thì không hợp lý” - TS Trí nêu.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, đề xuất thẩm quyền cho TP Thủ Đức tương đương cấp tỉnh. Ảnh: LÊ THOA

Sắp xếp cán bộ theo số dân

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, cho biết sau khi nghiên cứu cơ chế đặc thù của mô hình đặc khu ở một số nơi thì ông thấy áp dụng thẩm quyền cấp tỉnh cho TP Thủ Đức là hợp lý nhất. Bởi đây là cách làm theo hướng “lấy cái đang có trong nước để vận hành và áp dụng tại Thủ Đức”.

“Ví dụ thẩm quyền cấp tỉnh ở Thủ Đức nếu đủ dư địa, không gian, dân số, đủ tính chất hoạt động kinh tế - xã hội, đủ các thành phần để hoạt động như mô hình chính quyền, bộ máy, chế độ, chính sách, thẩm quyền của cấp tỉnh thì vận hành” - ông Hiếu nói và cho biết nếu cho TP Thủ Đức thẩm quyền như cấp tỉnh với nhiều quyền tự chủ thì sẽ bớt thẩm quyền của TP.HCM. Dù vậy, sẽ không có gì mất đi vì toàn bộ sẽ phục vụ cho sự phát triển của TP.HCM.

Về vấn đề này, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhìn nhận thẩm quyền chung của TP Thủ Đức nên tương đương như cấp tỉnh. “Chúng ta không nói chữ “bằng” nhưng nói chữ “tương đương” để vận dụng phù hợp” - bà Thảo nói và cho rằng nếu áp dụng thẩm quyền tương đương cấp tỉnh thì việc vận dụng sẽ nhanh hơn. Khi đó chủ tịch TP Thủ Đức cũng tương đương thẩm quyền chủ tịch tỉnh; các mặt về thẩm quyền, hệ số phụ cấp chức vụ cũng tương đương.

Nguyên phó bí thư TP.HCM cho rằng sau một năm hoạt động, TP Thủ Đức chưa có cơ chế vận hành, chưa có sự phân cấp, phân quyền rành mạch phù hợp. Trên thực tế đây như là một siêu quận, một quận rất lớn. Đội ngũ cán bộ có thiếu nhưng cũng có dôi ra, ngân sách đầu tư còn hạn chế, hạ tầng đang quá tải ở cửa ngõ phía đông. Chuyện cũ ở Thủ Thiêm chưa giải quyết dứt điểm, trong khi giá đất vừa rồi là một vấn đề đang phải xử lý để tạo điều kiện phát triển.

Về số cán bộ, công chức, bà Phạm Phương Thảo đề xuất nên theo hướng tinh gọn nhưng cần tính theo dân cư sẽ phù hợp hơn.

Chuẩn bị ban hành nghị quyết về TP Thủ Đức

Về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết hiện Thành ủy TP.HCM đang chuẩn bị ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Sau nghị quyết này, UBND TP.HCM sẽ ban hành quyết định phân cấp và quyết định ủy quyền mạnh mẽ cho TP Thủ Đức để phát huy tính chủ động và trách nhiệm cho TP Thủ Đức hoạt động. Trong đó, phân tách những thẩm quyền thuộc UBND TP.HCM cho TP Thủ Đức và ủy quyền một số nội dung của chủ tịch UBND TP cho chủ tịch TP Thủ Đức.

Hiện UBND TP đã giao Sở KH&ĐT xây dựng khung dự thảo đề án kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức. Dự kiến quý I-2022, TP.HCM sẽ hoàn thiện đề án này để kịp trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 3.

Đề án này sẽ trình tám nhóm cơ chế, chính sách đặc thù. Gồm: (1) Tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước từ TP.HCM cho TP Thủ Đức; (2) Gỡ bỏ các điều kiện hạn chế gia nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực trên địa bàn TP Thủ Đức; (3) Phân bổ lại ngân sách, tỉ lệ phân chia ngân sách theo hướng tăng cường để lại các nguồn thu cho TP Thủ Đức.

(4) Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn TP Thủ Đức và dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách TP.HCM trên địa bàn TP Thủ Đức; (5) Đấu thầu các khu đất công, đấu thầu cung cấp dịch vụ công; (6) Cơ chế tiếp nhận các khoản hỗ trợ, đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong việc đầu tư hạ tầng; (7) Tách dự án bồi thường ra khỏi dự án xây lắp; (8) Thẩm quyền về bộ máy quản lý nhà nước và chính sách nhân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm