Đề nghị xử lý hình sự lái xe uống rượu, bia

Đó là thông điệp được Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu bia” ngày 15-11.

Uống rượu bia thì đừng lái xe

Bên lề hội thảo, ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết: Luật Giao thông đường bộ cấm người điều khiển ô tô uống rượu bia. Vì thế, các lái xe chỉ cần uống một ngụm rượu hoặc bia là có thể bị xử phạt.

Riêng với người điều khiển mô tô, xe máy, ông Thái cho biết có thể uống chút rượu bia nhưng không được vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở. Như vậy, theo nghiên cứu của WHO, người điều khiển xe máy nếu uống hai chai bia hoặc hai chén rượu 40 độ hay hai vại bia hơi thì sẽ vượt nồng độ cồn cho phép và bị xử phạt (mức thấp nhất là 200.000-400.000 đồng, cao nhất là 500.000 đến 1 triệu đồng). “Trong trường hợp đã uống ở mức trên, người uống nên nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng cho giải rượu rồi hãy điều khiển xe” - ông Thái nói.

Tuy nhiên, ông Thái cũng cho rằng mức khuyến cáo trên chỉ mang tính tham khảo. Bởi thực tế, việc uống được rượu bia hay không còn phụ thuộc vào thể trạng của từng người. Nhiều người chỉ cần uống một chén rượu mạnh hoặc một chai bia là đã say. “Tốt nhất là chúng ta không nên uống bia rượu khi điều khiển phương tiện. Còn nếu phải uống thì sau đó nên đi taxi hoặc gọi ai đó không uống bia rượu đến chở về nhà” - ông Thái khuyến cáo.

Đề nghị xử lý hình sự lái xe uống rượu, bia ảnh 1

CSGT TP Hà Nội thực hiện đo nồng độ cồn người chạy xe máy ngay gần khu vực quán nhậu. Ảnh: THÀNH VĂN

Cần tăng nặng mức phạt

Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, thời gian qua có 40% vụ TNGT do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia và 11% số người chết vì TNGT có liên quan đến rượu, bia. Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cũng cho biết việc vi phạm về nồng độ cồn còn dẫn đến hàng loạt vi phạm khác như chạy quá tốc độ, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng…

Theo ông Tuấn, hiện mức phạt theo quy định còn thấp, chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính nên tác dụng giáo dục, răn đe chưa cao. Ông Tuấn kiến nghị cần sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng vi phạm nồng độ cồn mà điều khiển phương tiện là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. “Nếu chưa sửa luật ngay được, trước mắt cần quy định tạm giữ hành chính đối với người và phương tiện vi phạm. Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt tối đa với khung tiền phạt được quy định, đồng thời tước giấy phép lái xe không thời hạn”.

Ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia, cũng đề nghị cần hoàn thiện quy định chế tài trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện theo hướng nghiêm khắc, đầy đủ, chặt chẽ hơn. Cùng đó, tăng chế tài xử phạt đối với các vi phạm trên bằng cách tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện…

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng CSGT Ninh Bình, thì đề nghị cần điều chỉnh Nghị định 34/2010, nhất là các chế tài với các trường hợp không chấp hành yêu cầu của CSGT trong việc kiểm tra nồng độ cồn. “Theo quy định, người điều khiển ô tô, nếu nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở thì sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng; đồng thời tạm giữ xe 10 ngày, tước giấy phép 60 ngày. Nhưng nếu họ không cho CSGT kiểm tra thì chỉ bị phạt tiền ở mức 2,5 triệu đồng, tạm giữ xe 10 ngày. Do đó, nhiều lái xe cố tình không chấp hành để được xử lý ở mức phạt thấp hơn” - ông Tuấn nêu thực tế.

Thiệt hại do bia rượu quá lớn

Hằng năm, ngân sách nhà nước và chi phí của nhân dân dành cho việc khắc phục hậu quả do lạm dụng rượu bia và điều khiển phương tiện là không nhỏ, thậm chí vượt xa kinh phí đóng góp từ ngành đồ uống có cồn. Do đó, đã đến lúc chúng ta phải hành động quyết liệt để phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện uống rượu bia.

Ông LÊ MẠNH HÙNG, Thứ trưởng Bộ GTVT

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm