Đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và các đồng phạm

Ngày 12-1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ tham ô và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thực hiện lệnh bắt với ông Tất Thành Cang. Ảnh: NT

Tham ô và gây thất thoát

Cơ quan điều tra đã chuyển VKS cùng cấp đề nghị truy tố Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc Công ty IPC kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SADECO) và Hồ Thị Thanh Phúc (cựu tổng giám đốc Công ty SADECO) về tội tham ô tài sản với giá trị hơn 1,7 tỉ đồng (khoản 4 Điều 353 BLHS) và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (khoản 3 Điều 219 BLHS).

Ông Tất Thành Cang và 15 người khác bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí đối với hành vi thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.

Cụ thể là hành vi sử dụng tiền thù lao, quỹ khen thưởng tại Công ty SADECO, hành vi sử dụng tiền của Công ty SADECO đi tham quan, nghỉ mát dưới danh nghĩa đi khảo sát, học tập trái quy định và hành vi thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.

Bị can Đỗ Công Hiệp (kế toán trưởng Công ty SADECO) bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí đối với hành vi sử dụng tiền của Công ty SADECO đi tham quan, nghỉ mát dưới danh nghĩa đi khảo sát, học tập trái quy định.

Theo kết luận điều tra, SADECO là công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC; doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với vốn điều lệ khoảng 2.900 tỉ đồng). SADECO vào thời điểm năm 2015 có vốn điều lệ khoảng 170 tỉ đồng, được xem là doanh nghiệp đem lại lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, vào thời điểm đỉnh cao lợi nhuận cũng chính là lúc tài sản nhà nước tại SADECO bị lũng đoạn, tư nhân thâu tóm với sự giúp sức trực tiếp của lãnh đạo chủ chốt IPC, SADECO, một số cán bộ Văn phòng Thành ủy TP.HCM có liên quan và ông Cang.

Trên cơ sở đề xuất của bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc SADECO, ngày 24-4-2018, nhóm đại diện quản lý vốn nhà nước đã trình lãnh đạo Văn phòng Thành ủy TP.HCM phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ SADECO.

Bốn ngày sau, Văn phòng Thành ủy TP.HCM có tờ trình xin chủ trương phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM là ông Tất Thành Cang về phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại SADECO.

Căn cứ bút phê đồng ý của ông Cang trên tờ trình, ngày 18-5-2017, Văn phòng Thành ủy TP.HCM ban hành thông báo (do bị can Phạm Văn Thông - lúc đó là phó chánh Văn phòng Thành ủy ký) ý kiến chỉ đạo của ông Cang về phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) để tăng vốn điều lệ tại SADECO.

Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược (9 triệu cổ phần với tổng trị giá 360 tỉ đồng), tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông nhà nước tại SADECO giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỉ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), trong khi Công ty Nguyễn Kim chiếm tỉ lệ chi phối tại SADECO là hơn 54% vốn điều lệ.

Ông Tất Thành Cang chịu trách nhiệm gì?

Theo cơ quan điều tra, quá trình chọn cổ đông chiến lược không được báo cáo đầy đủ, minh bạch, đánh giá không đúng năng lực thực tế của đối tác chiến lược, giá phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược không đúng thực tế giá trị tài sản và tiềm lực công ty, không có căn cứ pháp lý, không đảm bảo lợi ích của SADECO cũng như cổ đông hiện hữu… Do đó, việc phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) với “giá bèo”, không thông qua thẩm định đấu giá đã gây thất thoát thiệt hại cho Công ty SADECO hơn 940 tỉ đồng. Trong đó, thất thoát thiệt hại cho vốn của UBND TP.HCM là hơn 413 tỉ đồng và vốn của Thành ủy là hơn 157 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra kết luận ông Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng phần sở hữu của Văn phòng Thành ủy tại SADECO 157 tỉ đồng.

Hành vi cụ thể là từ ngày 5-2-2016 đến 7-1-2019, với vai trò là phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Cang chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách Đảng bộ TP được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua; việc thực hiện quyết định chủ trương đầu tư các dự án, các công trình, chương trình đầu tư phát triển của Đảng bộ TP.HCM.

Ngày 16-5-2017, ông Cang có bút phê đồng ý vào Tờ trình số 1148 ngày 28-4-2017 của Văn phòng Thành ủy với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược là sai theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Ông Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo quy định nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định...

Cơ quan điều tra đang làm rõ 7 vụ việc

Cơ quan điều tra hiện đang tách nhiều vụ việc thuộc vụ án này để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định. Cụ thể, bảy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật do Thanh tra TP.HCM chuyển và phát hiện trong quá trình điều tra.

Những vụ việc này đến nay chưa có kết luận giám định, định giá tài sản và kết quả cung cấp tài liệu của cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan và còn một số tình tiết điều tra làm rõ xác định có tội hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm