Đề nghị nhà nước đóng tàu cho ngư dân bám biển

Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 23 – 5, kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu đoàn TP.HCM đã đề nghị Chính phủ đầu tư đóng tàu cho ngư dân bám biển.

ĐB Trần Du Lịch đề nghị Chính phủ đóng tàu cho ngư dân thuê không để người dân đóng tàu gỗ nhỏ lẻ như hiện nay. Việc này có thể giao cho Vinashin thực hiện. Cứ một đội tàu đánh cá gỗ phải có mấy tàu sắt thu mua và phải có bàn tay của nhà nước tham gia để vừa giải quyết bài toán kinh tế lẫn chủ quyền. “Hiện nay chúng ta toàn những tàu đánh cá nhỏ, mang đá ướp cá thủ công thì bán cho ai? Cần phải có tàu cá có đủ trang thiết bị, máy cấp đông thì mới có hiệu quả”, đại biểu Lịch nhấn mạnh.

ĐB Trần Hoàng Ngân: "Trong bối cảnh hiện nay, quốc phòng an ninh phải đặt lên hàng đầu". Ảnh T.HẰNG

 “Làm thế nào cho ngư nghiệp phát triển không chỉ giải quyết bài toán kinh tế mà còn là bài toán chủ quyền”, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa đặt vấn đề. Ông Hòa cho biết ngư dân thường ra biển trong 30 ngày. Số cá đánh bắt trong 10 ngày đầu chủ yếu làm thức ăn gia súc, 10 ngày tiếp theo bán với giá rẻ vì ko tươi hoặc ướp hóa chất để giữ tươi, chỉ còn số đánh bắt trong 10 ngày cuối là được giá. Ông đề nghị Bộ Nông nghiệp nên đầu tư dịch vụ hậu cần cho nghề cá để ngư dân yên tâm bám biển”, ông Hòa nói.

Để có nguồn lực đầu tư cho ngư dân, đại biểu Võ Thị Dung đề nghị Chính phủ rà soát lại các công trình dự án, nếu không cần thiết ngay thì cắt giảm, nhất là về nguồn lực tài nguyên, đất đai để tập trung chính sách có hiệu quả tránh dàn trải. Trong đó cần tập trung nguồn lực vật chất, tinh thần để vượt qua khó khăn của đất nước hiện nay trong tư thế vững vàng đấu tranh, giữ chủ quyền đất nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng trong bối cảnh hiện nay, quốc phòng an ninh phải đặt lên hàng đầu. Kinh tế cũng phải phải đặt trong bối cảnh động, ưu tiên ổn định vĩ mô nhưng phải gắn kinh tế với quốc phòng. “Có những dự án cần dừng lại để ưu tiên quốc phòng. Bộ giao thông thời gian qua vừa tiết kiệm 35 ngàn tỉ từ các dự án, thay vì lấy tiền đó đầu tư đường bộ thì đầu tư đường thủy. Ngành dầu khí có thể sử dụng tiền lợi tích hoặc tiền cổ phần hóa để hỗ trợ ngư dân bám biển. Chính phủ cần đầu tư thì ngư dân mới có hàng ngàn tàu lớn để bám biển”, ông Ngân nhấn mạnh.

“Chúng ta phải dự báo cho được mức ảnh hưởng của tình hình hiện nay đến xuất nhập khẩu, an ninh lương thực … Tôi kiến nghị rà soát lại các dự án như dự án nạo vét sông Tiền, sông Hậu trên 5.000 tỷ có cần không, nếu không lấy tiền này để đóng tàu cho ngư dân”, Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu giải pháp.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm