Để đường trái phép qua đường sắt: Phải xử mất chức

Cho ý kiến về dự thảo Luật đường sắt sửa đổi, tại phiên làm việc sáng nay, 15-3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành đường sắt trong việc để mở quá nhiều đường ngang trái phép qua đường sắt. Điều này dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng, làm thiệt mạng nhiều người.

“Vì sao để đường ngang dân sinh mở ra nhiều thế này? Trách nhiệm thuộc về ai, luật này có giải quyết được tình trạng này hay không? Để mở nhiều đường ngang trái phép do luật hay do tổ chức thực hiện?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết hiện cả nước có 5.726 đường ngang, trong đó có 1.511 đường ngang hợp pháp, còn lại 4.211 đường ngang là mở trái phép không nằm trong quy hoạch, không có biển cảnh báo.

“Cái này Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu địa phương xóa bỏ đường ngang dân sinh, tạo đương gom vào vị trí của đường ngang đúng quy định pháp luật”, ông Minh giải thích.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay việc mở đường ngang trái phép không những cản trở tốc độ đường sắt còn dẫn tới những tai nạn thương tâm, vì vậy cần phải giải quyết dứt điểm trình trạng này.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Có hơn 4.000 đường dân sinh trái phép, luật đã cấm nhưng nếu không có chế tài xử phạt nghiêm gắn với trách nhiệm thì không bao giờ chúng ta thực hiện đúng pháp luật về đường sắt. Không chỉ là của Bộ GTVT, ngành đường sắt mà còn là trách nhiệm của địa phương nơi có đường sắt đi qua. Mở đường dân sinh trái phép phải xử lý, đường dân sinh trái phép để xảy ra tai nạn càng phải xử lý, tùy mức độ, phải mất chức chứ không đơn giản”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm