Dễ dàng phân loại chất thải rắn tại nguồn

Vì vậy, nhằm giải quyết vấn đề này, từ năm 2006, thành phố đã triển khai chương trình Phân loại chất thải rắn tại nguồn (PLCTRTN). Trong đó, có giải pháp 3T nhằm góp phần ngăn ngừa các vấn đề suy thoái môi trường; tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên; tiết kiệm chi phí thu gom và xử lý rác thải; giảm quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác…

Trong hoạt động 3T, chữ T đầu tiên là giảm thiểu lượng rác thông qua việc thay đổi lối sống, cách tiêu dùng; cải tiến các quy trình sản xuất, mua bán sạch… Chữ T thứ hai là tái sử dụng các sản phẩm hay một phần của sản phẩm đó cho chính mục đích cũ hay cho một mục đích khác. Ví dụ như dùng chai nhựa thành đồ trang trí hay các vật dụng trong nhà… Chữ T cuối cùng là sử dụng rác thải làm nguyên liệu sản xuất ra các vật chất có ích khác.

Dễ dàng phân loại chất thải rắn tại nguồn ảnh 1

Các bạn nhỏ thích thú theo dõi màn ảo thuật tái chế giấy tại Ngày hội tái chế chất thải do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Ảnh: NGỌC CHÂU

Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền chưa được thực hiện sâu rộng nên một bộ phận dân cư vẫn chưa nắm bắt được tinh thần của hoạt động 3T này. Hoặc nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết, còn thực tế lại diễn ra hoàn toàn khác. Ngay trong cuộc sống thường ngày, có nhiều hoạt động 3T đơn giản mà chúng ta có thể dễ dàng thực hiện.

Chẳng hạn như sử dụng làn hay túi vải để đi chợ thay thế cho túi nylon. Đừng vội vứt đi những vỏ sữa giấy, bạn hãy làm dẹp chúng và mang đến các cơ sở thu mua. Các nhà sản xuất rất cần mua nguyên liệu này để làm tấm lợp tái chế. Với những vật dụng trong nhà, thiết bị điện tử cũ gia đình bạn không muốn sử dụng nữa, đừng vứt vào bãi rác, hãy cho lại những người có nhu cầu. Ngoài ra còn một số cách khác như dùng cặp lồng để đựng thức ăn thay vì bịch nylon hay hộp xốp; tận dụng giấy một mặt; làm vệ sinh nơi mình đang sinh sống…

Rác thải sẽ mãi là rác thải nếu chúng bị trộn lẫn. Thế nhưng rác thải sẽ trở thành tài nguyên nếu bạn phân loại chúng đúng cách. Do vậy, ngoài 3T, bạn cần nhớ để thực hiện tốt PLCTRTN, hãy chú ý phân biệt được ba loại rác là rác hữu cơ, vô cơ và rác tái chế. Rác hữu cơ gồm rác thực phẩm từ nhà bếp như rau, củ, quả… chúng sẽ được dùng làm nguyên liệu để sản xuất phân. Rác vô cơ là các loại rác như sành sứ, gạch vỡ, thủy tinh, than, đất, cát… Những loại này không thể sử dụng được nữa mà phải đem đi chôn lấp. Còn rác tái chế là các loại giấy, kim loại, vỏ hộp… sẽ được vận chuyển đến các xưởng tái chế để làm thành các sản phẩm mới. Đặc biệt bạn hãy nhớ là trang bị các thùng chứa rác riêng, phân theo màu để dễ nhận biết.

Trong khuôn khổ hoạt động vì môi trường, Siêu thị Co.opmart triển khai đồng loạt chương trình PLCTRTN trên toàn hệ thống siêu thị. Đây là hoạt động do Co.opmart phối hợp cùng Sở TN&MT TP.HCM thực hiện. Theo đó, tại một số vị trí như khu vực sơ chế thực phẩm, khu kinh doanh thức ăn, khu hành lang, khu tự doanh, khu vệ sinh… trong siêu thị sẽ được bố trí hai thùng rác màu xanh lá cây và màu xám tro. Trên nắp, mặt ngoài của thùng rác có biểu tượng thức ăn dư thừa, rau củ quả; lon nước ngọt, giấy các loại, ly nhựa, ống hút... nhằm giúp người tiêu dùng tự phân loại và để rác vào thùng phù hợp. Bên cạnh đó, cần phổ biến rộng rãi nội dung, ý nghĩa của chương trình PLCTRTN cho toàn bộ nhân sự các siêu thị. Ngoài ra, Co.opmart còn tiến hành vận động khách hàng hưởng ứng chương trình thông qua nhiều hình thức như treo phướn, đăng bài viết trên các ấn phẩm, phát thanh…

NGỌC CHÂU tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm