ĐBQH cảnh báo về lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Hôm nay, 26-3, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về các báo cáo của Quốc hội. Các đại biểu đồng tình, đánh giá cao, tự hào về Quốc hội khóa XIV, đồng thời cũng bày tỏ nhiều “tâm tư”, nhận định, nhất là về công tác lập pháp.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: còn tình trạng dự án luật không phù hợp với chính sách.

“Có dự án luật gây bức xúc cho dư luận, có dự án luật chưa đánh giá đầy đủ sâu sắc tác động đến kinh tế xã hội tình hình trong nước, quốc tế, không lường trước hậu quả trước mắt và lâu dài của quy định.

Ví dụ như quy định đưa phạm nhân ra ngoài doanh nghiệp, bổ sung một lực lượng an ninh cơ sở hàng triệu người không tính đến những khó khăn, tính khả thi của dự thảo luật, tương quan lực lượng các lĩnh vực và giải pháp chính sách cho lực lược công an xã đang và đang quy định hiện hành”, ĐB Nhưỡng nói thẳng.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói có dấu hiệu lợi ích nhóm, lobby, không lành mạnh trong xây dựng pháp luật. Ảnh: QH

ĐB Nhưỡng cũng đề cập đến công tác thẩm tra, thẩm định các dự án luật còn nhiều sơ hở.

“Một số dự án được đưa ra để lọt lưới chính sách, có dấu hiệu “lobby”, không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật”, ĐB Nhưỡng nói. Thậm chí, với ĐBQH, ĐB Nhưỡng còn cho rằng “còn có trường hợp dĩ hòa vi quý để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính, chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu thể hiện quan điểm trách nhiệm xây dựng luật pháp”.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng cảnh báo tình trạng “tham nhũng chính sách”.

“Nếu rà soát thật kỹ, lật đi, lật lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ tổ chức thực hiện thì có thể nhận thấy, có những quy định, nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách”, ĐB Mai nói.

Theo ĐB Mai, tham nhũng chính sách có thể hiểu đây là việc cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính xác cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.

ĐB Mai phân tích: “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh những quỹ hoạt động hiệu quả thì hiện nay trên thực tế vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước.

Điều đáng băn khoăn là trong 72 đạo luật được Quốc hội khoá XIV thông qua thì vẫn có những đạo luật đến ¼ số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì các quỹ tài chính ngoài ngân sách”.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai cảnh báo tình trạng tham nhũng chính sách trong xây dựng luật. Ảnh: QH

Ngoài ra, các quy định liên quan đến quản lý đất đai như đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện ưu đãi về quy trình thủ tục, về phân cấp phân quyền các dự án những mảnh đất có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách.

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đặt vấn đề về “câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật. Theo ĐB Mai Bộ, liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật rất cần thiết vì liêm chính sẽ giúp xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, có ý nghĩa rất tốt trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn.

“Nếu thiếu không có sự liêm chính và đặc biệt tính liêm chính trong quá trình soạn thảo vào thầm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều khuyết tật”, ĐB Mai Bộ nói.

Theo ông, ba khuyết tật cụ thể là: mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật đã ban hành trước đó; pháp luật trở thành công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ ngành mình trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền bộ ngành khác; vòng đời của các văn bản pháp luật đó rất ngắn, làm tốn thời gian, kinh phí để thay thế.

ĐB Nguyễn Mai Bộ đề nghị khởi động liêm chính trong việc soạn thảo, trình và thông qua các dự án luật. Ảnh: QH

ĐB Mai Bộ đề nghị phải “khởi động lại sự liêm chính trong xây dựng pháp luật và các ĐBQH luôn nghĩ tới liêm chính trong thẩm tra, phát biểu đối với mỗi dự án luật.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai thì đề xuất phải đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật; đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; nâng cao hoạt động thẩm tra theo hướng bản lĩnh, trí tuệ, dám đấu tranh, dám phản biện.

Đặc biệt, ĐB Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách; cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào những quy định pháp luật những quy định trục lơi cá nhân.

Cuối cùng, bà đề nghị sớm hoàn tất Chính phủ số làm minh bạch hoá các quy định để người dân có thể thực hiện quyền nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm