Đẩy nhanh tiến độ đề án đấu giá biển số xe

Ngày 13-12, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với chín bộ gồm Công an, Tài chính, Công Thương, TT&TT, GD&ĐT, LĐ-TB&XH, KH&ĐT, Ngoại giao, VH-TT&DL để đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai nhiệm vụ Thủ tướng giao trong năm 2019 và đăng ký kế hoạch công tác năm 2020.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong chương trình công tác năm 2019, chín bộ trên được giao thực hiện 251 đề án nhưng còn nợ 71 đề án chưa trình. Trong đó có 29 đề án nợ quá hạn, nợ đọng kéo dài và 42 đề án sắp đến hạn phải trình trước ngày 31-12.

Sẽ để 30%-50% tiền đấu giá biển số cho CSGT

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhắc việc đề án đấu giá biển số ô tô, xe máy đã đề ra mấy năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện được. Theo ông, nếu triển khai thực hiện tốt đề án này, ít nhất nên dành 30%-50% cho chính lực lượng CSGT để mua sắm thêm trang thiết bị kiểm soát an toàn giao thông. Số tiền còn lại có thể đóng góp cho quỹ người nghèo.

Liên quan đến đề án mở rộng cấp biển đăng ký ô tô, xe máy, ông Tuấn thông tin hiện cấp biển mới mỗi năm khoảng 360.000-400.000 ô tô, trong đó cấp đổi khoảng 60.000 xe; xe máy một năm cấp mới 2 triệu xe, cấp đổi hơn 200.000 xe.

Theo ông Tuấn, các địa phương đang chủ yếu làm thủ công khi luân chuyển chứng từ giữa cơ quan thuế, kho bạc, công an. “Chúng tôi nhất trí phải chuyển sang thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất năm 2020 ở các đô thị” - ông Tuấn nói và nhấn mạnh việc này rất quan trọng với người dân.

Cùng với việc khai trương cổng dịch vụ công quốc gia ít ngày trước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận Bộ Công an, Cục CSGT đã tham gia tích cực và có những hỗ trợ lớn trong việc đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép lái xe quốc tế. Ông Dũng cũng đề nghị Bộ Công an hướng tới mục tiêu thực hiện đổi giấy phép lái xe mức độ 4, kết nối với y tế để có giấy khám sức khỏe, chụp ảnh để người dân không phải mất nhiều thời gian cho việc chụp ảnh; đấu giá biển số; thu phí, lệ phí ô tô, xe máy.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông tin Văn phòng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công an, thống nhất sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đề án đấu giá biển số xe và đưa lên cổng dịch vụ công quốc gia. Ông kỳ vọng việc này sẽ giúp tăng ngân sách cũng như tăng cường nguồn lực đầu tư cho CSGT.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với chín bộ liên quan đến việc nợ đề án. Ảnh: ĐỨC MINH

Đừng đổ tội cho văn thư, đánh máy

Trong số các bộ nêu trên, Bộ TT&TT có 18 văn bản, đề án nợ đọng và cam kết sẽ hoàn thành 10 đề án trong những ngày cuối cùng của năm nay, còn lại xin chuyển sang năm 2020.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải lý giải những đề án, văn bản xin lùi sang năm 2020 có nội dung gắn chặt chẽ với thực tế như hoạt động đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet, tần số vô tuyến điện... Những vấn đề này đang chờ phê duyệt của Thủ tướng hoặc có đề án cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế nên không kịp hoàn thành trong năm 2019.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định 02/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã quá hạn 167 ngày, nay lại xin chuyển sang quý I-2020. “Vướng mắc gì mà phải chậm, lùi lại, chưa trình lên Chính phủ?”. Ông hỏi và cho rằng VTV là đơn vị đã thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính từ lâu, vậy vấn đề quyết định bộ máy, tổ chức, nhân sự cũng cần được tạo điều kiện để đơn vị tự quyết.

“Tôi biết đề xuất về vấn đề này đã được nêu ra lâu rồi. VTV muốn tạo cơ chế mở nhưng mình muốn kéo quyền về bộ, chắc là không ổn. Tôi đã một lần nghe rồi, quan điểm của bộ khác với của đài. Đài muốn tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì mình phải tạo cơ chế mở để họ được tự chủ, tự quyết định về tuyển dụng, sắp xếp bộ máy. Nếu đài chủ động đề xuất thì trình các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng để quyết định sớm cho họ” - ông Dũng nói.

Tổ trưởng tổ công tác cũng truy trách nhiệm của Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ (Văn phòng Chính phủ) về việc văn bản trình nhưng không quy định thời hạn. “Sai thì nhận lỗi đi, làm gì có sơ suất, đừng đổ tội cho văn thư, đánh máy” - ông thẳng thắn.

Giải trình thêm sau đó, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định nội dung văn bản điều chỉnh lần này với VTV chỉ là về cơ chế, tổ chức của đơn vị. Bộ TT&TT không có ý kiến về nội dung, chỉ là vấn đề quy trình, thủ tục làm chậm tiến độ. Ông Hải cho biết thông tin thay đổi phải được đăng tải công khai trên website của bộ 60 ngày mới đủ điều kiện lấy ý kiến Bộ Tư pháp. Sau đó Bộ TT&TT mới hoàn thiện để trình lên Chính phủ. Bộ này hiện vẫn đang chờ cho hết thời hạn 60 ngày.

Sau cùng ông Hải hứa sẽ cố gắng trình trong cuối tháng 12, không để dây dưa sang năm 2020. Tổ trưởng tổ công tác khẳng định Văn phòng Chính phủ chỉ thống nhất lùi một đề án của Bộ TT&TT sang năm 2020, còn các đề án khác phải hoàn thành trong năm 2019.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng một lần nữa yêu cầu các bộ cần quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, không để quá hạn. “Sắp hết năm 2019, chúng ta không đặt vấn đề xin rút nữa... Không làm được đến hạn mới xin rút, giống như đến nơi gọi tên thi đấu mới bảo không thi đấu, đau bụng nhưng bụng không đau là không nên” - bộ trưởng nói.

2,3 triệu lượt người truy cập cổng dịch vụ công quốc gia

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin đến 16 giờ ngày 12-12, tức sau bốn ngày khai trương, cổng dịch vụ công quốc gia đã có 2,3 triệu người truy cập. Đến trưa 12-12 đã có 1.358 hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên cổng này. Trong số này có 581 hồ sơ đề nghị cấp mới điện hạ áp và trung áp, 693 hồ sơ đổi giấy phép lái xe và cấp giấy phép lái xe quốc tế, 51 hồ sơ liên quan đến cấp lại giấy bảo hiểm y tế do bị hỏng, mất. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm