Đầu tư 100 con tàu cùng ngư dân bám biển

“Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để ngư dân bám biển, nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, chúng tôi đã lập dự án đầu tư 100 tàu đánh cá. Các tàu có công suất 500-1.500 mã lực, đánh bắt thủy sản xa bờ, hai trực thăng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hai ụ nổi phục vụ sơ chế biến, bảo quản thủy sản…” - ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, kể về dự án đã trình Chính phủ xem xét cho thực hiện thí điểm.

100 con tàu trang bị hiện đại

. Phóng viên: Vì sao công ty có ý tưởng đầu tư 100 tàu đánh cá cùng ngư dân bám biển, thưa ông?

+ Ông Phạm Ngọc Lâm: Nước ta có lợi thế về nguồn tài nguyên biển phong phú. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển để có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Hầu hết ngư dân hiện nay dựa vào kinh nghiệm truyền thống nên việc đánh bắt thủy sản nhỏ lẻ, sử dụng tàu vỏ gỗ nhỏ, công suất máy móc cũ, lạc hậu và công nghệ bảo quản sau khai thác rất thô sơ nên hiệu quả kinh tế không cao. Để ngư dân yên tâm bám biển, phải có phương án cụ thể. Các con tàu có công suất 500-1.500 mã lực với trang bị máy móc hiện đại. Dự án này sẽ giúp công ty tạo ra thu nhập và tạo nhiều việc làm ổn định cho người lao động, đồng thời thể hiện được trách nhiệm của doanh nghiệp, ý thức dân tộc trong lúc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Những chiếc tàu dự kiến nhập từ Hàn Quốc, Nhật về. (Ảnh do  Công ty CP Đức Khải cung cấp)

. Xin ông cho biết cụ thể về dự án và tiến độ thực hiện?

+ Tổng số vốn đầu tư vào dự án khoảng 1.500 tỉ đồng. 95 tàu sẽ sử dụng đánh bắt thủy sản xa bờ, năm tàu còn lại phục vụ công tác hậu cần đều sử dụng vật liệu mới như nhôm, composite sợi tổng hợp, sắt, thép. Các tàu đều có thiết bị định vị, có máy tầm ngư, hệ thống thông tin liên lạc, kiểm tra kiểm soát bằng Internet. Chúng tôi sẽ đầu tư trực thăng loại đã qua sử dụng nhưng chất lượng đảm bảo để phục vụ công tác hậu cần, cứu hộ, cứu nạn và các trường hợp khẩn cấp khác. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư hai ụ nổi với sức chứa 5.000 tấn.

Về tàu đánh cá, chúng tôi đặt mua và nhập khẩu các tàu đã qua sử dụng từ các nước phát triển có kỹ thuật cao về đóng tàu và đánh bắt như Nhật, Hàn Quốc, Úc và Mỹ.

. Sao ông lại chọn phương án mua tàu nước ngoài mà không đóng tàu ở trong nước?

+ Chúng tôi chọn phương án mua lại các tàu cũ từ Nhật, Hàn Quốc vì công nghệ hiện đại và giá thành hợp lý, đảm bảo tiến độ. Qua nghiên cứu và thực tiễn về sản xuất, sử dụng tàu đánh cá ở Nhật, Hàn Quốc thì tàu có vật liệu bằng vỏ sắt có thời gian sử dụng khoảng 20-25 năm. Trong khi đó, tàu vật liệu nhôm, composite tổng hợp và sợi thủy tinh là vật liệu nhẹ không rỉ, tiết kiệm nhiên liệu nhưng vẫn đảm bảo độ cứng, chức năng sử dụng và thời gian sử dụng 40-50 năm, gấp đôi tàu vỏ sắt.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 11 sẽ hoàn tất việc mua sắm tàu, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Tháng 12 sẽ đưa vào vận hành thử, đầu năm 2015 sẽ chính thức hoạt động.

Giúp ngư dân thành cổ đông để làm chủ tàu

. Quyền lợi của ngư dân thế nào khi cùng với công ty ra khơi, thưa ông?

+ Chúng tôi sẽ bỏ vốn đầu tư và ngư dân góp sức, góp kinh nghiệm để cùng hợp tác tổ chức đánh bắt, khai thác. Phân chia lợi ích sau khi trừ chi phí là ngư dân 65%, công ty 34% và cơ quan kiểm ngư 1%.

Tính cả thời điểm không đánh bắt được, ngư dân cũng sẽ được nhận trợ cấp đảm bảo mức thu nhập không dưới 5 triệu đồng/tháng. Khi ngư dân có thu nhập cao hơn 10 triệu đồng/người/tháng, công ty sẽ có chính sách khuyến khích họ trích số tiền vượt trên 10 triệu đồng ưu tiên chuyển nhượng phần vốn góp cổ đông của công ty để làm chủ tàu theo mô hình hợp tác xã.

Ngư dân làm sao tiếp cận, vận hành với máy móc, thiết bị hiện đại, thưa ông?

+ Công ty sẽ phối hợp với một số tỉnh đoàn tuyên truyền để ngư dân hiểu và tham gia. Mỗi tàu sử dụng bình quân 20 ngư dân làm thuyền viên. Những ngư dân có kinh nghiệm được tuyển dụng làm thuyền viên. Họ sẽ được đào tạo kỹ năng sử dụng máy móc, thiết bị để khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Nếu ngư dân được tuyển dụng làm thuyền trưởng sẽ được đào tạo chính quy theo quy định hiện hành để đảm bảo điều hành tàu an toàn và hiệu quả. Tất cả ngư dân là thành viên đều học ý thức làm giàu cho bản thân và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngoài quy trình đào tạo trên, trong thời gian 6-12 tháng, chúng tôi sẽ mời một số ngư dân từ các nước Nhật, Hàn Quốc… có nhiều kinh nghiệm đánh bắt thủy hải sản hướng dẫn, hỗ trợ kỹ năng, kỹ thuật khai thác đánh bắt.

. Xin cảm ơn ông.

TRUNG DUNG

Kế hoạch hoạt động của 100 tàu trong thời gian tới

95 tàu sẽ đánh bắt, khai thác thủy hải sản tại năm ngư trường lớn gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng; năm tàu phục vụ công tác hậu cần, cứu hộ, cứu nạn, có nhiệm vụ chuyên chở lương thực, thực phẩm cung cấp cho các tàu đánh bắt và nhận sản phẩm đánh bắt được về đất liền. Chúng tôi sử dụng hai ụ nổi để tiếp nhận thủy hải sản sau đánh bắt, sau đó phân loại để sơ chế, bảo quản. Đối với những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, khi đủ số lượng sẽ đưa lên tàu vận chuyển trực tiếp đi nước ngoài. Ngoài ra, hai ụ nổi là nơi chăm sóc sức khỏe, tiếp tế hoặc bảo trì sửa chữa nhỏ cho các tàu.

Ông PHẠM NGỌC LÂM, Chủ tịch HĐQT Công ty
CP Đức Khải

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm