Đấu giá các phòng công chứng?

Chiều 23-9, Sở Tư pháp TP.HCM đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cùng thảo luận, góp ý dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng sửa đổi. Nghị định này được gấp rút xây dựng, trình Chính phủ vào tháng 10 để kịp ban hành có hiệu lực đồng thời với Luật Công chứng sửa đổi vào 1-1-2015. Tâm điểm “nóng” thảo luận tập trung xoay quanh hai phương án xã hội hóa, chuyển đổi phòng công chứng (PCC) sang văn phòng công chứng (VPCC).

Việc chuyển đổi này được Luật Công chứng sửa đổi quy định. Cụ thể, trong trường hợp không cần thiết duy trì PCC, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, giảm đầu tư ngân sách.

Hai phương án

Dự thảo nghị định đưa ra hai phương án chuyển đổi PCC. Thứ nhất, tất cả công chứng viên đang hành nghề tại địa phương đều có quyền nộp hồ sơ tham gia đấu giá “quyền nhận chuyển đổi PCC”. Phương án này xuất phát từ quan điểm cho rằng PCC là “sản nghiệp” của Nhà nước, việc lập VPCC hiện bị hạn chế theo quy hoạch của Thủ tướng phê duyệt trong khi có nhiều công chứng viên có nguyện vọng hành nghề, nên đưa ra đấu giá cho công chứng viên có nhu cầu nhận chuyển đổi. Mặt lợi là Nhà nước thu được một khoản tài chính bổ sung cho ngân sách.

Làm thủ tục công chứng tại Phòng công chứng số 4, TP.HCM. Ảnh: HTD

Phương án hai, không đấu giá, công chứng viên không phải trả chi phí để nhận chuyển đổi mà PCC sẽ được chuyển đổi cho các công chứng viên đang làm việc tại đó theo quy trình hành chính. Mục tiêu của phương án này là xã hội hóa hoạt động công chứng mà vẫn đảm bảo quyền lợi của công chứng viên, người lao động gắn bó lâu năm với PCC khi chuyển sang làm việc theo mô hình VPCC.

Trong cả hai phương án, tài sản của PCC: trụ sở, trang thiết bị… được xử lý theo quy định về tài sản công (giao về cho cơ quan nhà nước khác quản lý sử dụng, đấu giá, bán chỉ định, đấu thầu, cho thuê…), riêng trụ sở có thể ưu tiên cho VPCC vừa tiếp nhận chuyển đổi thuê lại.

Ý kiến về vấn đề này, ông Hoàng Huy Trường (Trưởng phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp của Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp) cho rằng các PCC của TP.HCM và một số TP lớn đã hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, ngân sách không phải chi trả lương, đầu tư trang thiết bị… nên có chuyển đổi PCC thành VPCC hay không cũng không cần thiết. Bởi vì cũng không hề tiết kiệm được biên chế, ngân sách, không đạt được mục tiêu xã hội hóa. Cả hai phương án chuyển đổi PCC không giải quyết được gì hơn mà nếu nói “đấu giá PCC” thì xót xa quá. Chưa kể, ở các tỉnh thì thường PCC số 1 nằm trong khuôn viên trụ sở của sở tư pháp. Sau đấu giá thì PCC đó biết dời đi đâu, khó khăn cho người dân, mà đem trụ sở của Sở Tư pháp tỉnh cho VPCC thuê cũng không ổn.

Công chứng viên nghèo xách dép ra đi

Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng (Công chứng viên VPCC Bảy Hiền) bày tỏ: “Tôi sốc khi nghe đấu giá PCC. Lẽ ra chuyển đổi PCC phải làm thế nào để đảm bảo lợi ích hài hòa cho Nhà nước và cả viên chức đang làm việc ở PCC. Nếu đấu giá thì anh em PCC có đủ tiền để đấu không? Hay phải bán xới sớm”. Theo bà Hồng, tuy có quy định “an ủi” rằng trường hợp trả giá ngang nhau thì các công chứng viên đang làm việc tại PCC đó được ưu tiên trúng đấu giá nhưng chắc không xảy ra chuyện hi hữu như vậy. Nhiều khả năng các VPCC giàu có sẽ mua lại được PCC, đấu giá sẽ không công bằng với các công chứng viên đóng góp công sức cho PCC lâu nay.

Phản ứng quyết liệt, ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng PCC số 1, cảnh báo: “Nếu chuyển đổi PCC theo phương án 1 - đấu giá thì chắc mấy công chứng viên nghèo xách dép ra đi trước. Tôi không tham gia đấu giá”. Ông Hòa lý giải tuy PCC có ưu thế về vị trí trụ sở thuận lợi, rộng rãi hơn các VPCC khác nhưng giá trị lớn nhất chính là “thương hiệu PCC” do thành lập lâu năm được người dân biết nhiều, có uy tín, được tin cậy hơn. Thương hiệu PCC thực chất do chính các công chứng viên nhiều năm góp sức xây dựng nên bằng trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm, uy tín, đó cũng là thương hiệu của công chứng viên. Nay đem đấu giá “quyền nhận chuyển nhượng PCC” tức là bán thương hiệu PCC, ép anh em mua lại thương hiệu chính mình. Ông Hòa dẫn chứng những VPCC đang đắt khách hầu hết là do những công chứng viên gạo cội của PCC nghỉ hưu ra làm, người dân tìm đến theo thương hiệu, uy tín của công chứng viên. Đại diện các PCC còn lại cũng đồng kiến nghị bỏ phương án đấu giá trên.

Theo bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nếu theo phương án đấu giá thì quyền nhận chuyển đổi PCC có nguy cơ rơi vào nhóm đầu tư, các công chứng viên đang làm việc tại PCC khó có đủ khả năng tài chính để trúng đấu giá, quyền lợi của công chứng viên và người lao động không được đảm bảo. Điều này có khả năng gây bất ổn, không kế thừa được hoạt động PCC đã xây dựng nhiều năm. “Vì vậy, Sở Tư pháp sẽ kiến nghị chuyển đổi PCC theo phương án 2” - bà Thuận cho hay.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm