ThS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, giảng viên môn tội phạm học - Trường ĐH Luật TP.HCM:

Đánh vì muốn khuất phục người khác

Một bên muốn nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ và một bên muốn bảo vệ những lợi ích cá nhân, trong đó có thể bằng cách phủ nhận hoặc phản kháng các kết luận của người đang thi hành công vụ. Kết quả tiêu cực của tác động này là đương sự bị thương tích, tử vong. Đâu là nguyên nhân?

Xét cho cùng, người thi hành công vụ cũng là một con người bình thường nên ở họ sẽ tồn tại những đặc điểm tâm lý tiêu cực gắn với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của họ. Đó có thể là tâm lý nôn nóng muốn kết thúc hồ sơ vụ việc trong phạm vi nhiệm vụ của mình để chuyển hồ sơ vụ việc lên cấp trên hoặc cũng có thể nhằm đáp ứng nhu cầu của dư luận. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan, áp đặt ý chí cho người khác thậm chí là quá lệ thuộc vào niềm tin nội tâm của người được xem là đang nắm quyền lực có thể sẽ chi phối mạnh mẽ đến thái độ và hành vi giải quyết công việc của họ. Với những đặc điểm tâm lý tiêu cực này, khi các đương sự không thỏa mãn yêu cầu như chối tội, không khai đồng phạm… thì người thi hành công vụ có thể sử dụng bạo lực nhằm “khuất phục” đương sự. Cạnh đó, để những sự việc đáng tiếc xảy ra cần nhìn nhận vai trò của một số yếu tố khác hỗ trợ như hệ thống pháp luật liên quan bảo vệ quyền con người, đặc biệt là nhóm người yếu thế trong xã hội chưa được chú trọng và quy định rõ. Một nguyên nhân khác là người làm công việc trong mảng thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật chưa đủ trình độ.

Vấn đề niềm tin, một đặc điểm tâm lý con người cũng như đặc điểm tâm lý xã hội cũng cần được đặt ra. Đó là niềm tin trong mối quan hệ giữa người thi hành công vụ với đương sự hình như không tồn tại cho nên đã dẫn đến những chuyện đáng tiếc. Và nó sẽ còn nguy hiểm hơn nữa khi nó dẫn đến sự ảnh hưởng niềm tin của xã hội vào các cơ quan thi hành và bảo vệ pháp luật.

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm