Đánh bài trả tiền cà phê cũng bị tù

Theo dự kiến, ngày 14-8 tới, TAND TP Đà Nẵng sẽ đưa vụ án đánh bạc ra xử phúc thẩm. Bị cáo trong vụ án này là Lê Thị Mộng Thu, 43 tuổi, hiện bị hạn chế năng lực hành vi.

Theo nội dung vụ án, ngày 24-7-2013, Lê Thị Mộng Thu cùng ba người bạn tên Hà, Hằng, Phụng đến nhà bà Tự chơi, ngồi buồn nên Tự rủ cả nhóm đánh bài ăn tiền để trả tiền cà phê, tất cả đồng ý chơi bài tính điểm. Cứ ai ăn từ 10 điểm trở lên thì nộp cho Tự 1.000 đồng để Tự trả tiền cà phê.

Chơi được 15 phút thì Công an phường Bình Hiên (quận Hải Châu, Đà Nẵng) xuất hiện lập biên bản vi phạm hành chính và tịch thu hai bộ bài kèm theo 1.723.000 đồng của cả nhóm. Qua điều tra, khi đó Thu mang theo 200.000 đồng, bị thua 17.000 đồng; Hà mang theo 1,5 triệu đồng, thắng 40.000 đồng; Hằng mang theo 50.000 đồng, thua 30.000 đồng; riêng Tự không mang theo tiền.

Do số tiền sử dụng vào việc phạm tội chưa đủ truy cứu trách nhiệm hình sự (chưa tới 2 triệu đồng) nên cả nhóm chỉ bị xử phạt hành chính. Riêng Thu, do có một tiền án chín tháng tù treo về tội đánh bạc, chưa hết thời gian thử thách và tính đến thời điểm bị bắt bị cáo chưa được xóa án tích nên bị truy cứu hình sự.

Xử sơ thẩm, TAND quận Hải Châu đã tuyên phạt Thu ba tháng tù về tội đánh bạc. Tổng hợp với bản án cũ, bị cáo phải chịu mức án một năm tù giam.

Xung quanh vụ án này, nhiều người cho rằng việc cơ quan tố tụng truy tố, xét xử bị cáo là không sai luật. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị cáo quá giản đơn, không đáng để xử lý. Đặc biệt, bị cáo Thu là người hạn chế năng lực hành vi, sinh ra trong gia đình có tiền sử bị bệnh tâm thần. Hiện gia đình bị cáo có một người anh và một người chị bị tâm thần, đang hưởng trợ cấp xã hội. Do hoàn cảnh khó khăn nên con trai của bị cáo Thu (đang là sinh viên) phải nghỉ học vì không có tiền theo học.

DƯƠNG HẰNG

Không đáng truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo tôi, bị cáo phạm tội với hành vi hết sức giản đơn, nhất thời. Mục đích đánh bạc chỉ để chơi vui chứ không mang tính chất đánh bạc ăn thua, tức không có tính nguy hiểm gì cho xã hội.Đây là một vụ án không đáng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cộng thêm hoàn cảnh khó khăn của gia đình bị cáo thì việc đưa bị cáo vào tù càng tăng gánh nặng cho xã hội. Theo tôi, tòa có thể áp dụng Điều 54 BLHS để miễn hình phạt cho bị cáo.

Luật sư NGUYỄN THỊ HƯỜNG (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng)

Không sai nhưng quá cứng nhắc

Tôi cho rằng không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự bị cáo. Việc tòa cho rằng Thu phạm tội trong thời gian thử thách để xử lý hình sự và tuyên bản án như trên là không sai nhưng áp dụng luật một cách quá cứng nhắc. Xét trong vụ án này, mục đích đánh bạc của bị cáo không phải là để ăn thua mà chỉ nhằm hùn tiền trả tiền cà phê. Mức độ nguy hiểm trong vụ án này hầu như không có, mà đó chỉ là hình thức giải trí cho vui của không ít người.

Một kiểm sát viên VKSND quận 1, TP.HCM

Coi thường pháp luật nên buộc phải xử

Với người có tiền án, phạm tội trong thời gian thử thách thì đó là việc coi thường pháp luật nên cần phải truy tố và xét xử. Một lần cảnh cáo, cho bị cáo hưởng án treo là đã xem xét đến hoàn cảnh, mức độ phạm tội. Nhưng bị cáo lại tiếp tục coi thường pháp luật mà lao vào phạm tội thì bắt buộc phải xử lý. Còn hành vi phạm tội mang tính chất giản đơn, nhỏ lẻ chỉ là yếu tốđể xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Kiểm sát viên NGÔ MINH, VKSND TP Đà Nẵng

Không nên pháp lý đơn thuần

Việc đánh bài chỉ nguy hiểm khi họ đánh để thu lợi bất chính, đánh bài thường xuyên, chuyên nghiệp. Tội phạm phải là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, còn hành vi này xét cho cùng chỉ là trò giải trí, chẳng có gì nguy hiểm.

Theo tôi, các cơ quan tố tụng cần xem xét mọi mặt trước khi khởi tố, truy tố, xét xử, đừng pháp lý đơn thuần khi nhận định bị cáo tái phạm nên phải xử lý hình sự. Như thế là quá cứng nhắc!

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm