Đảng viên, cán bộ và dân bức xúc vì bộ máy cồng kềnh

Các nghiên cứu, rà soát của Ban Tổ chức Trung ương cho thấy tính chung các cơ quan Chính phủ, sau ba nhiệm kỳ (từ khóa XI đến nay là khóa XIV), số tổng cục tăng gấp đôi, lên 42 đơn vị. Chỉ tính riêng Chính phủ khóa XIII (2011-2016), số vụ, cục thuộc bộ và cấp phòng thuộc cục, vụ đã tăng trên 13% so với đầu nhiệm kỳ. Trong khi đó, chỉ so sánh riêng số bộ và cơ quan ngang bộ thì VN hiện vẫn còn nhiều hơn so với một số nước. Cụ thể: Nhật Bản 12, Singapore 15, Lào 16, Thái Lan 19, Trung Quốc 20, Đức 14, Mỹ 15, Nga 21 và VN là 22 bộ và cơ quan ngang bộ.

Việc sắp xếp cấp bách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn sẽ hoạt động hiệu quả hơn.Ảnh minh họa: HTD

Đáng lưu ý, chức năng, nhiệm vụ một số bộ, ngành còn chồng chéo. Chẳng hạn ngành tài chính với KH&ĐT, GTVT với xây dựng. Một số cơ quan tham mưu của Đảng cũng có phần chức năng, nhiệm vụ tương đồng với cơ quan nhà nước, như ban tổ chức với cơ quan nội vụ, ủy ban kiểm tra với thanh tra và tuyên giáo với TT&TT.

Về đơn vị hành chính lãnh thổ, cả nước sau nhiều lần chia tách có 63 đơn vị cấp tỉnh, 713 cấp huyện và 11.162 cấp xã - quá nhỏ lẻ so với 38 tỉnh, thành, gần 500 huyện của năm 1976. Đáng chú ý, nếu xét theo các tiêu chí mà Quốc hội đặt ra năm 2016 thì có tới 49 huyện (9%), 3.363 xã (37%) chưa đạt hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số và có tới 724 xã chưa đạt một nửa tiêu chí…

TS Võ Đại Lược:

Dần dần bỏ “trên cử, dưới bầu”

Đảng viên, cán bộ và dân bức xúc vì bộ máy cồng kềnh ảnh 2
TS Võ Đại Lược

Cần quyết tâm ở lãnh đạo cấp trên. Bởi cấp dưới thì chắc không thích việc tinh gọn bộ máy vì đụng chạm tới lợi ích cá nhân của họ. Đây cần phải là quyết định của Đảng, Nhà nước và hệ thống phải thi hành.

Chẳng hạn như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội hiện nay đang buộc các viện trực thuộc phải giảm các phòng. Viện Kinh tế chính trị thế giới của tôi cũng đang phải giảm số phòng theo các tiêu chí. Áp lực rất lớn. Viện phải lập hội đồng khoa học để thảo luận về tính cấp thiết, phù hợp của các phòng chuyên môn và bỏ phiếu.

Ban Tổ chức Trung ương vừa qua cũng đã thi tuyển vụ trưởng. Đây là ví dụ tốt. Tuy vậy, vấn đề lớn nhất là phải kiểm soát chất lượng nhân sự đầu vào của các cơ quan nhà nước. Vì bổ nhiệm là việc quan trọng nhất chứ không phải là đi xử lý những vụ việc cụ thể. Những trường hợp lùm xùm vừa qua liên quan đến nhiều lãnh đạo cao cấp được bổ nhiệm đã minh chứng cho điều này.

Cũng chính những vụ việc đó đặt ra vấn đề cạnh tranh trong tuyển dụng đầu vào để loại bỏ được những người kém ngay từ lúc đầu và người tài có cơ hội. Dĩ nhiên trong thời điểm này, cơ chế “trên cử, dưới bầu” chưa thể dẹp ngay nhưng ít ra song song với đó phải là tăng số lượng những ứng cử viên cho một vị trí được bổ nhiệm. Có nghĩa là ngoài nhân sự “trên cử, dưới bầu” thì mở quyền ứng cử cho những người khác và đánh giá trên đề án, kế hoạch hành động. Ai đáp ứng yêu cầu thì được tuyển dụng.

Việc chưa bỏ được cơ chế xin-cho chắc vẫn còn tiêu cực. Tuy vậy, tôi cho rằng đề án đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cũng là một bước tiến. Chúng ta không thể ngay một lúc… đến đích được. Nhưng nếu có quyết tâm của những người đứng đầu, chắc chắn bộ máy sẽ ngày càng tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả.

Bà BÙI THỊ THANHPhó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN:

Bộ máy giảm đi nhưng nhiệm vụ lại tăng

Đảng viên, cán bộ và dân bức xúc vì bộ máy cồng kềnh ảnh 3
Bà Bùi Thị ThanhPCT UBTƯMTTQVN

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (UBTƯ MTTQVN)  cũng tham gia góp ý vào các đề án về tinh giản biên chế, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả do Trung ương và Bộ Nội vụ đề xướng. Tinh giản biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy thì MTTQVN đã tập huấn, quán triệt tinh thần.

Đối với việc tinh giản biên chế ở cấp xã thì liên quan trực tiếp đến cán bộ mặt trận ở cơ sở. Chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo chức năng cầu nối giữa Đảng và nhân dân. Tuy vậy, với những định hướng của Trung ương, mặt trận sẽ chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế.

Hiện nay, tuy bộ máy của mặt trận giảm đi nhưng nhiệm vụ được giao lại tăng lên. Bên cạnh đó là vấn đề trình độ, chế độ đãi ngộ với cán bộ mặt trận cấp cơ sở cũng là vấn đề lớn.

Chúng tôi đang xây dựng đề án để trình Ban Bí thư về lãnh đạo mặt trận các cấp. UBTƯ MTTQVN sẽ có những cuộc hội thảo và bàn cụ thể về nhân sự làm chủ tịch MTTQVN cấp xã. Còn trưởng ban công tác mặt trận thì do dân bầu.

Nhưng muốn làm trọn được nhiệm vụ thì trước hết cán bộ mặt trận phải có năng lực trước tiên, sau đó là tâm huyết, trách nhiệm với nhân dân. Tới đây, mặt trận mỗi cấp đều phải lựa chọn được người tiêu biểu, thậm chí chúng tôi đặt mục tiêu phải có 50% người ngoài Đảng có uy tín để tham gia UB MTTQ cấp xã.

UBTƯ MTTQVN đã có đề án nâng cao hiệu quả hoạt động, bộ máy, đang trình các cấp có thẩm quyền và sẽ được thảo luận tại Đại hội IX diễn ra vào năm 2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm