Đăng kiểm vô can với sự cố tàu cánh ngầm?!

Ngày 22-1, ông Phạm Ninh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 6 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam), đã trao đổi với báo chí về vụ cháy tàu cánh ngầm xảy ra vào ngày 20-1, cũng như các sự cố xảy ra ở các tàu cánh ngầm hoạt động trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu. “Chiếc tàu này vừa được kiểm định từ ngày 14 đến 17-1” - ông Ninh nói.

Kiểm tra đủ, đúng quy trình!

. Việc kiểm tra về điều kiện an toàn của tàu cánh ngầm được thực hiện ra sao, thưa ông?

+ Chúng tôi thực hiện đúng quy định, tức kiểm tra lần đầu, kiểm tra định kỳ (năm năm/lần) và kiểm tra theo chu kỳ (hằng năm). Tàu trên 20 tuổi sẽ kiểm tra sáu tháng/lần. Ngoài ra, hằng năm phải đưa tàu lên cạn để kiểm tra vỏ, chân vịt, bánh lái. Chiếc tàu bị cháy cũng vừa được kiểm tra sự an toàn của toàn bộ phần chìm bên dưới.

. Vì sao vừa được kiểm định xong có ba ngày nhưng chiếc tàu này lại bốc cháy?

+ Hiện chúng tôi chưa nhận được thông báo về nguyên nhân cháy. Do nguyên nhân chưa xác định nên câu hỏi này tôi không trả lời được.

. Là đơn vị kiểm tra và chứng nhận an toàn cho chiếc tàu, ông đã kiểm tra lại quy trình kiểm định và yêu cầu các đăng kiểm viên giải trình?

+ Liên quan đến cháy nổ, cơ quan PCCC có kiểm tra định kỳ nhưng khi kiểm định, chúng tôi cũng kiểm tra các trang thiết bị và điều kiện an toàn PCCC của tàu. Đăng kiểm sau khi cấp giấy tờ thì không còn trách nhiệm nữa mà việc kiểm tra trước khi xuất bến là do cảng vụ xem xét.

Hôm qua (22-1), nhiều người chưa biết tất cả tàu cánh ngầm ở TP.HCM bị tạm dừng để kiểm tra. Nhiều người dân và khách du lịch nước ngoài vẫn tìm đến bến để mua vé đi Vũng Tàu. Ảnh: MP

Quá trình kiểm tra, chúng tôi còn lưu hình ảnh và khối lượng kiểm tra. Qua rà soát, kết quả cho thấy các công đoạn đều theo đúng quy định.

Đăng kiểm viên vô can

. Ông lý giải thế nào trước việc tàu cánh ngầm liên tục xảy ra sự cố, gây bất an cho người dân, trong khi ngành đăng kiểm đã “làm đúng quy trình”?

+ Có năm Vũng Tàu thống kê tàu cánh ngầm xảy ra bảy sự cố, trong khi phía TP.HCM nói tám vụ. Tôi không rõ căn cứ nào để xác định đó là sự cố và dựa vào đâu để nói sự cố tăng… Lẽ ra chủ tàu phải thống kê và cơ quan chức năng thông báo cho chúng tôi. Cơ quan đăng kiểm không được thông báo thì làm sao phân tích, xác định cụ thể nguyên nhân sự cố được.

. Khi xảy ra sự cố, đơn vị có chủ động xem xét khả năng xuất phát từ sự kiểm tra không đúng quy trình của các đăng kiểm viên không?

+ Trong ba năm trở lại đây, đơn vị đã tự kiểm điểm và nhận thấy đăng kiểm viên không có trách nhiệm trực tiếp đến các sự cố ở tàu cánh ngầm. Ngoài ra, không có bằng chứng nào cho thấy đăng kiểm viên bỏ qua các lỗi lớn vì lợi ích cá nhân, hay tiêu cực, kiểm tra qua loa tàu không đủ an toàn mà cho qua.

Nên cho tàu già về hưu

. Hầu hết tàu cánh ngầm đang khai thác ở TP.HCM hiện không được chạy ở chính các nước sản xuất do tính chất phức tạp của thiết bị, máy móc. Vậy phương tiện, trình độ của đăng kiểm có đáp ứng yêu cầu kiểm tra, xác định tàu an toàn?

+ Chúng tôi kiểm tra tàu của tất cả nền công nghiệp trên thế giới, từ châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc… Các tàu cánh ngầm ở TP.HCM cơ bản đã trên 20 năm thì rõ ràng không thể bằng tàu 4-5 tuổi. Việc kiểm tra đã loại bỏ một số tàu quá cũ, không thể sửa chữa hay thay thế.

. Ở góc độ chuyên môn, ông nhận xét sao trong việc khai thác các tàu cánh ngầm già?

+ Có những tàu (biển) đóng ở Trung Quốc chỉ 4-5 tuổi nhưng chất lượng không bằng tàu 15 tuổi ở châu Âu. Vấn đề là chất lượng đóng tàu và quá trình khai thác, bảo dưỡng được thực hiện ra sao. Tuy vậy, việc quy định niên hạn đối với tàu cánh ngầm là cần thiết vì tuổi càng cao thì tàu càng yếu và chi phí sửa chữa, bảo dưỡng tốn kém hơn.

. Ông có nhận xét gì về việc duy tu, bảo dưỡng của các chủ tàu trong chu kỳ đăng kiểm?

+ Chúng tôi thực hiện kiểm tra theo chu kỳ. Giữa các chu kỳ ấy có phát sinh hỏng hóc liên quan đến tính năng hoạt động, an toàn thì chủ tàu phải chủ động báo với đăng kiểm để đảm bảo việc thay thế, sửa chữa theo quy định. Theo đánh giá của tôi, mức độ quan tâm của chủ tàu trong việc duy tu, bảo dưỡng đã được cải thiện.

MINH PHONG

Thưởng các chủ ghe cứu người vụ cháy tàu

Sáng 22-1, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM đã trao quà và tiền thưởng cho ba chủ ghe tham gia cứu gần 70 hành khách thoát chết trong vụ cháy tàu cánh ngầm trên sông Sài Gòn chiều 20-1. Các chủ ghe được tặng quà và số tiền 10 triệu đồng trong đợt này gồm hai cha con ông Ngô Văn Hồng, Ngô Huỳnh Long (quê Long An); vợ chồng anh Trần Văn Có và chị Nguyễn Thị Thu Thủy (quê Tiền Giang). Các chủ ghe này đã phát hiện vụ cháy và kịp thời tham gia cứu vớt gần 70 hành khách dưới sông.

Theo ông Ngô Văn Hồng, lúc xảy ra vụ cháy vợ chồng ông đang đổi nước ngọt gần cầu Phú Mỹ và lập tức chạy về hướng chiếc tàu gặp nạn. “Khi chúng tôi đến nơi thì thấy nhiều người trên chiếc tàu cháy đang hoảng loạn. Những người nhảy xuống sông đều bị mắc kẹt trong sình lầy. Thấy vậy, tôi vội gọi điện thoại cho con trai đang bán hàng gần đó chạy ghe đến phụ cứu người” - ông Hồng nhớ lại.

Sau khi tiếp cận hiện trường, cả gia đình ông Hồng nhanh chóng quăng dây, phao xuống cứu những người gặp nạn lên ghe. Ông Hồng chở được gần 30 người, còn ghe anh Long chở hơn 20 người. Sau khi cứu được 50 người thì tàu của cơ quan chức năng đến nên hai cha con ông Hồng đã chuyển toàn bộ hành khách này qua tàu của cơ quan chức năng để chở về bến Bạch Đằng.

Cùng lúc đó, ghe của vợ chồng anh Có, chị Thủy cũng vớt được 15 người đưa lên bờ an toàn.

NB

Qua kiểm tra sơ bộ, việc đăng kiểm con tàu bị cháy được thực hiện đúng quy định. Con tàu này có xuất xứ Ukraine, được sản xuất vào năm 1994 chứ không phải “quá tuổi” như nhiều nghi ngờ trước đó. Tính đến nay, tàu được thay máy chính (do Mỹ sản xuất) hai lần. Việc thay máy giúp cho chất lượng hoạt động của tàu tốt hơn chứ không gây ảnh hưởng gì.

Ông TRẦN KỲ HÌNH, Cục trưởng
Cục Đăng kiểm Việt Nam

THÀNH VĂN ghi

Toàn bộ tàu cánh ngầm đều quá già

Trong 10 chiếc tàu cánh ngầm đang được khai thác, chiếc “ít tuổi” nhất là 19 năm và nhiều nhất là 25 năm. Trong đó, nhóm tàu “sinh” trong những năm 1990-1993 là chủ yếu.

Hiện Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo quy định niên hạn với tàu cao tốc chở khách (dựa trên vật liệu đóng tàu). Theo dự thảo, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất ba mức tuổi khác nhau cho ba loại tàu cao tốc là 18 năm, 21 năm và 25 năm. Nếu áp dụng niên hạn 21 năm cho tàu cánh ngầm thì hầu hết số tàu đang được khai thác ở TP.HCM đều phải “nhập kho” và đến năm 2019, toàn bộ tàu cánh ngầm hiện có của cả nước đều quá “đát”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm