Đảng bộ Tiền Giang xác định đến năm 2025 tự cân đối ngân sách

Sáng 13-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025 đã chính thức khai mạc.

Ông Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Trưởng Bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thay mặt Bộ Chính trị dự và chỉ đạo Đại hội.

Ông Nguyễn Văn Danh - Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: Đ.HÀ

Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Nguyễn Văn Danh- Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các cấp ủy đảng, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn.

Song, với sự đoàn kết, quyết tâm cao, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền sự nỗ lực phấn đấu của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết.

Công tác xây dựng Đảng luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ khai mạc Đại hội . Ảnh: Đ.Hà

Nhiệm kỳ 2020 -2025, Tiền Giang đề ra các mục tiêu: Đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tăng trưởng kinh tế (GRDP giá so sánh năm 2010) bình quân 7,0-7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 91,5 - 93,5 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 29,7%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,6%; Khu vực dịch vụ chiếm 34,7%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt 77.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 đạt 82.700 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang tự cấn đối ngân sách.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 246.600 tỷ đồng, chiếm 35,5%/GRDP.  Giai đoạn 2021 - 2025 tạo việc làm cho 80.000 lao động. Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% .

Xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025: có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8/8 đạt huyện nông thôn mới. Có từ 20 - 30% xã nông thôn mới nâng cao và 10% xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới. Kết nạp 6.500 đảng viên mới.

Theo ông Nguyễn Văn Danh, thành công của Đại hội lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với xây dựng và phát triển tỉnh Tiền Giang trong những năm tới.

Vì vậy ông đề nghị từng đại biểu phải sáng suốt lựa chọn, bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh những người có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt,  có uy tín... để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ông cũng đề nghị các đại biểu lựa chọn những người ưu tú, đại diện cho trí tuệ, ý trí và nguyện vọng của Đảng bộ và Nhân dân Tiền Giang để bầu vào Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang sẽ làm việc đến ngày 15 -10.

Một số kết quả nổi bật nhiệm kỳ 2015-2020

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 7,3%/năm. Trong đó, khu vực nông- lâm -ngư nghiệp đạt 3,7%; Khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 12,5%  và Khu vực dịch vụ đạt 7,5%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế năm 2020 Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 37,1%; Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,8%; Khu vực dịch vụ chiếm 35,1%.

Giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng 107/143 xã nông thôn mới; có 2 huyện nông thôn mới (huyện Gò Công Đông, huyện Chợ Gạo) và 3/3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Thành phố Mỹ Tho; Thị xã Gò Công; Thị xã Cai Lậy).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đến năm 2020 đạt 65 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 8,3%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,0 tỷ USD, tăng bình quân 11,3%/năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng bình quân là 10,0%/năm.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, đạt 169,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,2% so với tổng GRDP của tỉnh. Trong đó, năm 2019 - 2020, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư thông tuyến và hoàn thành vào năm 2021.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 là 45.799 tỷ đồng, (năm 2020 đạt 11.665 tỷ đồng). Chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 đạt 64.983 tỷ đồng. Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh được kéo giảm xuống còn 1,99%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm