Dân được theo dõi các khoản chi của quan chức

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, tổng thiệt hại hằng năm do nạn tham nhũng gây ra lên đến 2.600 tỉ USD, tương ứng với hơn 5% GDP toàn cầu. Tuy vậy, tổng giá trị thu hồi thực tế chỉ đạt từ 10% đến 15%.

Khó khăn thường gặp khi thu hồi tài sản tham nhũng là việc tách bạch hay xác định tài sản tham nhũng, bởi phần lớn tài sản tham nhũng khi bị phát giác đã chuyển thể sang những dạng khác.

Một chướng ngại khác là việc xử lý tài sản tham nhũng ở nước ngoài, đặc biệt là bất động sản được tội phạm tham nhũng mua ở các quốc gia như Mỹ, Úc, Canada… Mặc dù Liên Hiệp Quốc đã đưa ra Công ước Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tham nhũng, Tổ chức Cảnh sát Quốc tế đã đề ra Sáng kiến đầu mối toàn cầu để đối phó với tính chất xuyên quốc gia của vấn nạn này, tuy nhiên sự thiếu chặt chẽ giữa luật quốc gia với luật quốc tế khiến cho sự hỗ trợ chỉ dừng lại ở mức tinh thần và kêu gọi.

Nhìn tổng thể, việc thu hồi tài sản tham nhũng phải được nhìn theo tư duy “phòng ngừa hơn chữa trị”, nghĩa là phải chặn đầu vào tham nhũng. Tại Thụy Điển, quốc gia đứng thứ ba trong số các nước ít tham nhũng nhất thế giới, chính phủ luôn cảnh giác với nạn tham nhũng. Theo PGS-TS Gissur Erllingson, ĐH Tổng hợp Linköping  (Thụy Điển) không “khỏe”, chỉ là “ít bệnh”. Vậy nên Thụy Điển thực hiện hai bước, bao gồm minh bạch thông tin và bắt buộc các nhà chính trị cũng như quan chức nhà nước phải tuân theo những giá trị chuẩn mực về kê khai tài sản. Chính phủ cho phép công dân theo dõi tất cả khoản chi của quan chức, đồng thời tạo điều kiện cho báo chí, truyền thông phản ánh tất cả dấu hiệu có tham nhũng.

Tư duy phòng ngừa này cũng được Singapore áp dụng hiệu quả. Quy định đối với các quan chức, công chức Singapore chỉ rõ: “Không vay tiền từ những người mà quan chức có những quan hệ lợi ích chính trị-kinh tế-xã hội; không được vay các khoản tiền lớn hơn ba lần tiền lương tháng của mình mà không cần đảm bảo hay cam kết cá nhân; không dùng chức vụ hay thông tin chính thức nào để thực hiện các công việc mang tính cá nhân; không nhận bất kỳ lợi ích nào, từ quà cáp đến những dịch vụ giải trí từ công chúng…”. Những quy định như trên nhằm giúp công chức thoát khỏi bẫy tham nhũng.

ĐẠI THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm