Dân đóng tiền phải được biết phí sử dụng thế nào

Tại hội thảo lấy ý kiến cho dự án Luật Phí và lệ phí, do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 18-9, các chuyên gia cho rằng dự án luật này cần có cơ chế sử dụng phí và lệ phí để các khoản thu minh bạch, rõ ràng và tránh tình trạng lạm thu.

 Bà Nguyễn Thị Thủy, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng nếu đọc dự án luật này, người nộp phí sẽ không hiểu được các khoản phí mà họ nộp thì Nhà nước sẽ được sử dụng như thế nào. “Khi tôi đi giảng, rất nhiều học viên của tôi không hiểu được. Ví dụ như phí giao thông đường bộ là khoản thu phục vụ cho việc xây dựng, sửa chữa và cải tạo con đường đó nhưng người nộp phí cũng không hiểu được là có phải phục vụ cho họ hay không. Cần phải có cơ chế sử dụng phí và lệ phí để người dân hiểu rõ Nhà nước thu phí để làm gì” - bà Thủy nói.

Người nộp phí giao thông đường bộ còn mù mờ việc sử dụng phí đã nộp như thế nào. Ảnh: HTD

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đề nghị việc thu phí cần phải đi kèm với những cam kết rõ ràng về chất lượng cũng như thời gian cung ứng dịch vụ.

Cùng tại hội nghị này, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM), đề nghị ban soạn thảo cân nhắc khi dự kiến loại bỏ phí “chứng nhận xuất xứ hàng hóa” (C/O) ra khỏi danh mục phí và lệ phí. Ông Liêm cho rằng trong thời gian qua để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, Chính phủ đã hai lần ban hành các chính sách miễn thu phí C/O (năm 2001 không thu phí trong vòng một năm và năm 2009 đến nay là không thu). “Như vậy, có thể thấy việc không thu phí C/O được xem là biện pháp để giải quyết khó khăn tức thời cho doanh nghiệp trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, chứ không phải là quy định áp dụng chung cho các thời kỳ” - ông Liêm lý giải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm