Dân ‘bắt tay’ để cán bộ thuế tiêu cực!

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Vòi vĩnh kín hở… của cán bộ thuế”, cùng ngày 15-6, Tổng cục Thuế đã lên tiếng lý giải thêm về vấn đề này. “Ngành thuế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính, minh bạch các quy trình thủ tục khai nộp thuế và hiện đại hóa công tác thu thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, qua đó giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng trên” - bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế, nói.

. Phóng viên: Bà bình luận gì về kết quả khảo sát nói rằng có 61% hộ kinh doanh được khảo sát đã thường xuyên chi tiền cho thanh tra thuế, đặc biệt có những hộ phải đóng “hụi chết”?

+ Bà Nguyễn Thị Hạnh: Ngành thuế đang quản lý thuế hơn 3 triệu hộ kinh doanh quy mô nhỏ, phát triển kinh tế gia đình. Họ không thực hiện chế độ sổ sách kế toán, không thực hiện khai và nộp thuế theo thu nhập (doanh thu trừ chi phí) mà chủ yếu nộp thuế khoán (theo tỉ lệ ấn định trên doanh thu). Đây là lĩnh vực quản lý thuế khó khăn, phức tạp do việc thanh toán và nộp thuế chủ yếu bằng tiền mặt. Nghiên cứu mà báo nêu chỉ dựa trên cơ sở khảo sát của 500 hộ kinh doanh tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh khác nên chưa bao quát hết được bản chất vấn đề cũng như thực trạng khó khăn của ngành thuế.

Nhiều hộ kinh doanh đến chi cục thuế làm thủ tục khai thuế. Ảnh minh họa: AT

. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn do cán bộ thuế vòi vĩnh kín, công khai và thỏa thuận ngầm. Theo bà có thực tế này không?

+ Hiện các hộ kinh doanh vẫn chưa áp dụng khai nộp thuế điện tử như doanh nghiệp nên ở nhiều khâu cán bộ thuế phải trực tiếp hướng dẫn cho hộ kinh doanh về chính sách, thủ tục khai, nộp, điều tra doanh thu… Ngoài ra, theo quy trình hiện nay, việc xác định ra số thuế khoán của hộ kinh doanh không chỉ do cán bộ thuế quyết định. Nhưng thực tế không thể tránh khỏi tình trạng vòi vĩnh, thỏa thuận ngầm, câu kết giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh. Tuy vậy, việc này diễn ra ở mức độ nhỏ lẻ, khó phát hiện để xử lý.

. Theo bà nguyên nhân để diễn ra tham nhũng được nêu trong khảo sát từ đâu, có xuất phát từ việc ngành thuế buông lỏng quản lý?

+ Chúng tôi cho rằng khi nói đến “bắt tay”, “thông đồng” thì phải có từ hai phía. Do vậy, cần có biện pháp tuyên truyền về chính sách, thủ tục về khai nộp thuế để dần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về thuế phù hợp với mô hình, hình thức kinh doanh của lĩnh vực này, đồng thời có biện pháp tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tự giác chấp hành pháp luật về thuế đúng quy định, tố cáo các cán bộ thuế vi phạm.

. Trước kết quả khảo sát được công bố ở trên, Tổng cục Thuế sẽ có giải pháp gì để thắt chặt kỷ cương, đạo đức của cán bộ thuế?

+ Vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành thuế luôn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành thuế. Vì vậy Tổng cục Thuế đang thực hiện nhiều biện pháp để thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ thuế. Tổng cục Thuế cũng đã ban hành các quy chế, quy trình phòng, chống tham nhũng trong ngành, quy định những tiêu chuẩn cần “xây” và những điều cần “chống” đối với công chức, viên chức thuế; công khai đường dây nóng nhận phản ánh của người dân…

Chúng tôi cũng mong muốn người nộp thuế phản ánh, tố cáo đầy đủ, trung thực về các hiện tượng tiêu cực, không đúng quy định của các cán bộ thuế để Tổng cục Thuế có biện pháp xử lý kịp thời và thông báo công khai kết quả.

. Xin cám ơn bà.

TRÀ PHƯƠNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm