Đảm bảo thông tin công bằng và cân bằng

Có ý kiến nói để xảy ra như vậy có một phần vì áp lực từ tòa soạn. Sự suy thoái của báo in, doanh thu quảng cáo giảm, các hợp đồng truyền thông ngày càng bị thu hẹp, sự cạnh tranh giành độc giả với mạng xã hội và các trang tin điện tử ngày càng khốc liệt khiến nhiều tòa soạn loay hoay đẩy áp lực lên vai phóng viên bằng những yêu cầu quá sức: Tốc độ phải nhanh, số lượng bài phải nhiều, lượt đọc phải cao. Có những tòa soạn còn ra quy định chỉ trả tiền nhuận bút cho những bài có trên 3.000-4.000 lượt đọc.

Hậu quả nhãn tiền của cách thức làm báo dễ dãi này là những bài viết cẩu thả, vô thưởng vô phạt, những thông tin “lá cải” tràn ngập mọi mặt báo, còn uy tín của tòa báo, nhà báo thì xuống thấp đến mức nghiêm trọng, như nhà báo Hữu Thọ vừa thốt lên đầy chua xót: “Chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay” tại một hội thảo được tổ chức đầu tháng 6.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo điện tử Vietnam Plus, khẳng định: “Mạng xã hội giờ đây đã trở thành một phần bắt buộc và không thể tách rời trong hoạt động của các tòa soạn - nó không chỉ là nơi cung cấp thông tin mà có thể giúp thẩm định thông tin và truyền bá/phát hành thông tin. Nhiều tòa soạn trên thế giới còn đi theo hướng “social-first”, nghĩa là có thông tin nóng thì đẩy lên mạng xã hội trước khi xuất bản lên mobile hay web và sử dụng triệt để các tính năng của mạng xã hội trong quy trình tác nghiệp.

Tuy nhiên, chiến lược sử dụng mạng xã hội trong tác nghiệp báo chí như vậy khác hẳn với việc nhiều báo ở Việt Nam khai thác nội dung trên mạng xã hội mà không có kiểm chứng. “Báo chí khác với mạng xã hội ở chỗ luôn thẩm định thông tin và đảm bảo thông tin đăng tải công bằng và cân bằng, nếu thiếu những yếu tố đó thì báo chí chỉ là một dạng blog mà thôi” - ông Minh nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm