Đắk Lắk tuyển chọn người tài làm bí thư huyện

Trong hai ngày 19 và 20-3, các ứng viên tham gia dự tuyển chức danh bí thư Huyện ủy Lắk và huyện Buôn Đôn đã bảo vệ chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. Việc tuyển chọn này đã tạo ra sự đồng thuận cao trong dư luận.

“Chọn người tài, không chọn người nhà”

Tại buổi tuyển chọn, chín ứng viên cho chức danh bí thư huyện Lắk, Buôn Đôn lần lượt bước vào phần tranh tài. Mỗi người đưa ra các chương trình hành động để phát triển địa phương nếu được trúng tuyển. Mỗi ứng viên trình bày chương trình hành động không quá 30 phút.

Sau đó, ứng viên phải trả lời các câu hỏi chất vấn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo phiếu bốc thăm. Sau ba câu hỏi chất vấn, cuối cùng đến câu hỏi chất vấn của bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Thang điểm là 100, trong đó điểm xây dựng chương trình hành động của các ứng viên tối đa là 30 điểm. Điểm trình bày chương trình hành động và cam kết thực hiện tối đa là 30. Đối với phần kỹ năng trình bày, giao tiếp, trả lời các câu hỏi chất vấn hội đồng tuyển chọn tối đa 40 điểm.

Qua hai ngày các ứng viên đã bảo vệ chương trình hành động của mình, Ban Thường vụ đã chọn được người thực tài, góp phần nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ, giúp địa phương phát triển hơn.

Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết việc thí điểm tuyển chọn chức danh bí thư hai huyện ủy này đã thông qua Ban tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ. Các bước thực hiện vẫn đúng theo quy định của Đảng nhưng tại Đắk Lắk còn thêm bước nữa là đánh giá chương trình hành động của từng người.

“Cách làm này sẽ giúp chọn được người tài thay vì chọn người nhà. Trước đây tuyển người theo cách ngồi nhận xét người A, người B, C và chúng ta không được nghe các cán bộ đó trình bày. Còn bây giờ người tham gia dự tuyển phải trình bày chương trình hành động của mình, ai khá hơn thì người đó được chọn. Đây là đổi mới một khâu trong tuyển chọn” - ông Cường nói.

Ngoài ra, việc thí điểm tuyển chọn bí thư huyện cũng giúp chọn lọc được những giải pháp hay, khâu đột phá để xây dựng, phát triển huyện, ngành…

Ứng viên trình bày đề án hành động với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Không hành động thì từ chức

Qua tuyển chọn, bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đánh giá các ứng viên đã trình bày thuyết phục những mặt được, còn tồn tại của địa phương. Từ đó có giải pháp, cam kết rất rõ ràng, nếu không thực hiện tốt thì sẽ xin từ chức.

Theo bí thư Tỉnh ủy, đây là những cam kết hết sức mạnh mẽ. Nhiều ý tưởng từ vĩ mô cho đến cụ thể để phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của huyện phát triển vững mạnh. “Các chương trình hành động đều đã được chọn lọc, có những phương pháp tiến bộ trong việc phân tích, đánh giá để đưa ra các giải pháp của mình” - ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, riêng đối với năm ứng viên ứng cử chức danh bí thư huyện Lắk, Ban Thường vụ đánh giá rất cao. Các ứng viên này đã có sự đầu tư hết sức bài bản, có những giải pháp thiết thực. Trên cơ sở xây dựng đề án, trả lời câu hỏi, Ban Thường vụ đánh giá cao các ứng cử viên này. Đối với Buôn Đôn, đề án có nhiều tâm huyết, công phu, thể hiện sự đầu tư nghiêm túc trong công việc. Qua đó bộc lộ những mặt được và hạn chế, Ban Thường vụ thấy rằng cần tiếp tục quan tâm bồi dưỡng như thế nào để các cán bộ phát triển.

Kết quả ban đầu cuộc tuyển chọn

Kết quả đánh giá cho thấy đối với chức danh bí thư huyện Lắk, ông Võ Ngọc Tuyên (SN 1966, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT) được đánh giá cao nhất với 84,54/100 điểm. Sau đó lần lượt là bà Nguyễn Thị Thu An, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh, đạt 81,29; ông Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề, đạt 74,75; ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL đạt 82,08 và ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở KH&CN đạt 77,61.

Đối với chức danh bí thư huyện Buôn Đôn, ông Ya Toan Ênuôl (SN 1970, Phó Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột) được 79,25/100, là người được đánh giá cao nhất trong bốn ứng cử viên. Tiếp theo, các ông Ra Lan Von Ga, Hiệu trưởng Trường CĐ công nghệ Tây nguyên, đạt 74; ông Y Mơ Mlô, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đạt 73,29; và ông Y Jăn Buôn Krông, Phó Bí thư Huyện ủy Cư Kuin, đạt 75,93. 

________________________________

Việc tổ chức tuyển chọn qua hình thức trên thể hiện sự đột phá, nhận thức mới trong cách làm với mong muốn chọn được người có năng lực lãnh đạo. Việc này còn góp phần ngăn chặn những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ từ trước đến nay. Các ứng viên dự tuyển cạnh tranh bằng năng lực, bản lĩnh, trí tuệ để được xem xét, thực hiện các quy trình tiếp theo.

TS LƯƠNG HỮU NAMTrưởng khoa Xây dựng Đảng,
Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm