Đại tá Nguyễn Sỹ Quang: CSGT tuần tra phải có kế hoạch

Chiều 14-5, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM đã cùng với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XV đơn vị 2 tiếp xúc với cử tri quận Bình Thạnh, TP.HCM.

cu-tri-binh-thanh

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri quận Bình Thạnh, chiều 14-5. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tại đây, nhiều cử tri gửi gắm đến Đại tá Nguyễn Sỹ Quang những vấn đề liên quan đến tội phạm hình sự, ma tuý, công tác chống đua xe trái phép, CSGT làm luật…

Việc nhũng nhiễu của CSGT là tham nhũng vặt

Cử tri Nguyễn Minh Hùng cho rằng hiện nay tình hình phạm pháp hình sự, mua bán, tàng trữ ma tuý, cướp giật ngày càng táo tợn. “Nguyên nhân do đâu và làm sao để tội phạm không dám hoạt động ở TP?” – cử tri Hùng nói.

Theo cử tri Hùng, bên cạnh nhiều hình ảnh công an tận tụy, giúp dân trong lũ lụt, cháy nổ, bảo vệ tài sản và tính mạng của dân thì có một vài "con sâu làm rầu nồi canh".

“Một vài cá nhân CSGT làm luật, bảo kê khiến dân bức xúc, ông có suy nghĩ gì về việc này? “- cử tri Hùng đặt câu hỏi.

cu-tri-binh-thanh

Cử tri Nguyễn Minh Hùng đặt câu hỏi cho Đại tá Nguyễn Sỹ Quang. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cử tri Lý Hồng Sơn nói: Đua xe là vấn nạn của TP nhiều năm qua, nếu CSGT xử phạt thì nên tịch thu luôn tang vật chứ phạt hành chính để lấy xe về thì không ăn thua.

Trả lời cử tri, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nhìn nhận phải nâng cao chế tài đối với hành vi đua xe trái phép. Trong đó, phải xử lý hành chính thật nặng phương tiện tham gia đua xe, phải kiểm tra xử lý các lò độ xe tại địa bàn.

“Cái này, các cơ quan chúng ta biết hết, độ xe là chỉ để cướp giật và đua xe trái phép, không ai độ xe chở bạn gái đi chơi cả” – ông nói và thông tin Công an TP đã có phương án chống đua xe, vừa mới tổ chức diễn tập gồm các lực lượng CSGT, cơ động, đặc nhiệm và có cả trinh sát hoá trang.

nguyen-sy-quang

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, trả lời cử tri. Ảnh: NGUYỆT NHI

Về tình trạng CSGT "làm luật", Đại tá Nguyễn Sỹ Quang thông tin trong nhiệm kỳ qua có 3.443 CSGT không nhận hối lộ, 670 gương CSGT dũng cảm bắt cướp, nhưng vẫn còn việc nhũng nhiễu của CSGT, chủ yếu là tham nhũng vặt, khiến quần chúng mất niềm tin vào lực lượng công an. Vì lực lượng CSGT gần như là hình ảnh của lực lượng công an.

Theo ông Quang, giải pháp của việc này chính là "nhốt quyền lực trong lòng cơ chế".

“Chúng tôi có cơ chế, quy chế để CSGT hạn chế tối đa vi phạm. Ví dụ anh không được dừng ở một trạm, chốt quá 10 phút; tuần tra ở đâu phải có kế hoạch, tuyến đường nào có trong kế hoạch thì tụi anh chỉ được tuần tra tuyến đường đó, không được đi lạc vào tuyến đường khác... rồi không được núp trong góc khuất” – Phó Giám đốc Công an TP khẳng định.

Ngoài ra, Công an TP cũng có những chuyên đề bồi dưỡng kĩ năng giao tiếp, ứng xử, tác phong cho CSGT khi ra mặt đường để người vi phạm không bị ức chế với lực lượng thực thi công vụ mà chấp hành kiểm tra.

Công an TP cũng sẽ đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tuần tra, xử lý giao thông. Từ đó hướng tới xử lý vi phạm thông qua camera, đóng tiền phạt trực tuyến bằng tài khoản mà không cần CSGT.

Giảm người nghiện để giảm tội phạm ma tuý

Nói về bức tranh an ninh trật tự của TP.HCM, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nhìn nhận phạm pháp hình sự của TP.HCM chiếm 10% cả nước. Trong đó tội phạm cướp, cướp giật và trộm cắp tài sản chiếm tỉ lệ rất cao trong cơ cấu tội phạm. Cứ 100 vụ án xảy ra trên địa bàn TP thì có đến 75 vụ là cướp, cướp giật.

Theo Đại tá Quang, giải pháp phòng chống tội phạm của Công an TP xác định là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và phải tập trung kéo giảm ba loại án này thì tội phạm sẽ giảm theo.

cu-tri-binh-thanh

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội trao đổi sau hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Công an TP đề xuất đối với cướp giật điện thoại di động, Bộ Thông tin và Truyền thông nên làm việc với các nhà mạng, khi cơ quan công an gửi Imei (mã số nhận dạng thiết bị) của chiếc điện thoại đó thì nhà mạng khoá ngay Imei. “Nếu làm được thì chiếc điện thoại đó trở thành cục gạch thôi” – ông nói.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cũng thông tin, hiện nay hình phạt đối với tội phạm ma tuý ở nước ta là rất nghiêm khắc, chỉ thua các nước Hồi giáo. Để kéo giảm loại tội phạm này thì đầu tiên là phải giảm nhu cầu, tức phải giảm con nghiện. Đồng thời, phối hợp đấu tranh quốc tế, quản lý tiền chất…

Phó Giám đốc Công an TP cũng khuyến cáo hiện nay bên cạnh việc xuất hiện các loại bằng cấp giả, tiền giả thì còn có cả sổ đỏ giả được làm rất tinh vi, khó phát hiện.

 

Ông Đỗ Đức Hiển nói về việc kiểm soát tài sản của cán bộ

Tại hội nghị, cử tri Nguyễn Minh Hùng đã đặt vấn đề về công tác phòng chống tham nhũng đối với ứng cử viên Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp.

Cử tri Hùng nói: “Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Luật, Nghị định… và đã kiên quyết xử lý hàng chục vụ đại án trong ba năm qua. Tuy nhiên việc kê khai tài sản của cán bộ công chức hiện nay chưa mang lại hiệu quả cao”.

do-duc-hien
Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, trả lời cử tri. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trả lời cử tri, ông Đỗ Đức Hiển nhìn nhận, phòng chống tham nhũng là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, đã được thể chế hoá bằng Luật, Nghị định, các văn bản có liên quan.

Thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng năm 2015, việc kê khai tài sản có tiến bộ rõ rệt nhưng còn bất cập, phần nào còn có kê khai hình thức, chưa có điều kiện xác minh kiểm chứng, chưa có cơ chế kiểm soát tài sản thu nhập.

Do đó, vừa qua Quốc hội đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018; trong đó đã có cơ chế kiểm soát tài sản thu nhập. Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập đã quy định rõ việc này, trường hợp cán bộ bị phát hiện kê khai không trung thực tuỳ theo hành vi sẽ bị xử lý.

“Chẳng hạn, ứng cử viên đại biểu Quốc hội nếu kê khai sai sẽ bị bỏ ra khỏi danh sách, những người trong quá trình bổ nhiệm thì không được bổ nhiệm nữa, hoặc các hình thức kỷ luật, xử lý hình sự nếu vi phạm nặng….” – ông Hiển thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm