Đại biểu Quốc hội lo lợi ích nhóm lũng đoạn xây dựng chính sách

Sáng 24-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện năm năm 2011-2015 và kế hoạch năm năm 2016-2020.

Đa số ĐBQH đánh giá cao điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, một số ĐB còn băn khoăn về tính thực tế của các chính sách pháp luật khi ban hành. Bên cạnh đó, nhiều nghị quyết được ban hành nhưng mới dừng lại ở trên giấy, chưa có hành động quyết liệt thực hiện.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng sự cầu thị của Chính phủ cũng như QH đối với người dân chưa cao. Chính sách, luật ban hành ra nhưng không tiếp thu ý kiến người dân.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Một trong những nguyên nhân được ĐB Tâm nêu ra là do lợi ích nhóm đang lũng đoạn chính sách. "Lợi ích nhóm là vấn đề được nêu ra ở rất nhiều hội nghị, đưa vào nghị quyết nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra nó đang ở đâu. Thậm chí nhiều người đặt câu hỏi lợi ích nhóm đang len lỏi, chi phối đến cả QH? Vậy các nhà làm chính sách có nhận diện được lợi ích nhóm khi làm luật hay không" - ĐB Tâm lo lắng.

Bên cạnh đó, bà Quyết Tâm cũng chỉ ra câu chuyện giảm sút niềm tin của người dân. Sự giảm sút đang đề cập là việc các nghị quyết cũng như chính sách pháp luật chưa đồng bộ, nói chưa đi đôi với làm. "Năm nào chúng ta cũng đánh giá niềm tin giảm sút nhưng giảm sút bao nhiêu thì không ai đánh giá, cứ thế năm này qua năm khác" - Phó Bí thư trăn trở.

Cùng quan điểm về câu chuyện nói đi đôi với làm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng vấn đề cải cách thể chế được nói đến nhiều nhưng không ai dám thực hiện. Cải cách thể chế, đổi mới cơ chế chính trị đã được nêu ra từ năm 1986 nhưng đến nay chúng ta cứ ngần ngại, chưa tin tưởng ở người dân vì sợ một điều gì đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm