Đại biểu lo công nhân 'không gia đình, không tình yêu'

Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cũng giống như hầu hết các đại biểu (ĐB) khác đều cơ bản tán thành báo cáo bổ sung về kinh tế-xã hội của Chính phủ. ĐB Hùng tập trung vào vấn đề công nhân.

ĐB Triệu Thế Hùng cho rằng công nhân nhiều nơi hiện nay đang rơi vào tình trạng "5 không", trong đó có "không tình yêu".

Đề cập tới đời sống của công nhân ở khu công nghiệp, đại biểu Triệu Thế Hùng cho rằng bên cạnh khó khăn vật chất thì văn hóa là điều đáng lo ngại. 

"Có ý kiến cho rằng nhiều công nhân đang trong tình trạng năm không:Không tình yêu, không nhà cửa, không gia đình, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao. Việc thụ hưởng văn hóa của họ không có gì đáng kể, không được tiếp nhận thường xuyên về tình hình chính trị, xã hội" -  ông Hùng nói.

Theo ĐB Hùng, cả nước có 4 triệu công nhân làm ở hơn 300 khu công nghiệp, con số này còn gia tăng, do vậy, Chính phủ cần rà soát chính sách hợp lý để đảm bảo công đoàn hoạt động đủ mạnh, đại diện quyền lợi chính đáng cho công nhân. 

Theo ĐB Hùng, chính sách pháp luật và quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân không được quan tâm. Trong khi đó, tệ nạn xã hội thì gia tăng ở các nơi mà công nhân tập trung đông.

“Khi xin giấy phép, các nhà đầu tư đều cam kết đảm bảo đời sống tinh thần cho công nhân nhưng đây chỉ là hình thức. Họ không tổ chức gì cho công nhân ngoài việc một năm chỉ tổ chức gặp mặt vài ba cuộc” - ĐB Hùng nói.

Từ đó, ĐB Hùng đề nghị Chính phủ rà soát lại chính sách, tăng cường các giải pháp, nâng cao tính pháp lý… để đảm bảo công đoàn các khu công nghiệp “đủ mạnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân”.

Cạnh đó, ĐB Hùng cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp nâng cao nhận thức của các cấp, ngành trong việc tạo điều kiện để công nhân có nơi ở, nơi sinh sống tốt hơn. “Cần bảo đảm quyền tiếp cận thông tin giải trí, sinh hoạt văn hóa, thỏa mãn nhu cầu hoạt động xã hội của công nhân. Các quyền này phải được quy định cụ thể, đảm bảo thực thi trên thực tế và vai trò các cấp ngành cần được nâng cao” - ĐB Hùng nói.

Để thực hiện những vấn đề trên, ĐB Hùng đề nghị Chính phủ phải xem xét lại chính sách lương cho công nhân, trong đó có việc tăng lương tối thiểu vùng.

“Phải tăng mức lương tối thiểu vùng đảm bảo mức sống tối thiểu cho công nhân. Có như thế họ mới nghĩ tới việc thụ hưởng văn hóa và khi đó năng suất lao động sẽ tăng, có lợi cho cả hai bên người lao động và sử dụng lao động, giúp đất nước phát triển bền vững” - ĐB Hùng nói

Bởi vì, theo ĐB Hùng, Đảng cũng đã xác định “văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy phát triển”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm