Đại biểu của dân phải có bản lĩnh, dám truy vấn đến cùng

Sáng 22-4, tại huyện đảo Lý Sơn, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2016-2021. Chủ đề của hội nghị lần này là “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND”.

Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ảnh: TẤN VIỆT

Hoạt động chất vấn, giải trình còn nhiều vướng mắc

Phát biểu tham luận tại hội nghị, bà Đinh Thị Hồng Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho hay trong những năm qua, HĐND tỉnh luôn quan tâm cải tiến nội dung, phương thức tiếp xúc cử tri (TXCT). Qua đó đã thu thập được nhiều ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri trả lời, giải quyết, 

Đặc biệt, trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ngãi, Ủy ban MTTQVN tỉnh đều tổ chức họp đánh giá, bỏ phiếu phân loại chi tiết kết quả giải quyết, trả lời của UBND tỉnh đối với từng ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tại Ninh Thuận, ông Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng thực tiễn TXCT của tỉnh, số lượng công dân tham gia các đợt TXCT có nơi ít, còn tình trạng “cử tri đại diện”, “cử tri chuyên nghiệp”.

“Một số nơi, vai trò chủ trì buổi tiếp xúc của Ủy ban MTTQVN cấp xã còn lúng túng. Việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, khiếu nại của công dân chưa đến nơi đến chốn”, ông Lực nói.

Về hoạt động chất vấn và giải trình, ông Phan Thông, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho hay trước hết phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu dân cử. Người đại biểu HĐND phải am hiểu, có bản lĩnh, dám hỏi, dám truy vấn đến cùng.

“Chính vì vậy, trước khi chất vấn một vấn đề đòi hỏi người đại biểu phải tìm hiểu kỹ, thu thập thông tin và có bằng chứng xác thực về vấn đề mình chất vấn. Câu hỏi chất vấn gắn với hệ quả pháp lý buộc người trả lời chất vấn phải giải trình rõ đúng, sai và xác định rõ trách nhiệm. Sau trả lời chất vấn, những hứa hẹn của người bị chất vấn phải được chú trọng quan tâm theo dõi và tăng cường giám sát chặt chẽ thì kết quả thu được sau hoạt động chất vấn mới thực sự có hiệu quả”, ông Thông nói.

Bài tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Bình Định cũng kiến nghị với Quốc hội sớm xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn các quy định về giám sát của HĐND. Đặc biệt là quy định rõ các chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện chậm các kiến nghị tại mỗi kỳ họp HĐND tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TẤN VIỆT

Phải đổi mới hoạt động của HĐND

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá các tham luận rất sát chủ đề đặt ra. Hội nghị đã trao đổi được nhiều kinh nghiệm tốt.

Ông Hiển nêu ra ba vấn đề và đề nghị HĐND các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện. Cụ thể là HĐND các tỉnh, thành cần tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, không đi theo đường mòn nếp cũ. Sáng tạo, đổi mới phương thức, nội dung, phong cách hoạt động. Phong cách của HĐND, đại biểu HĐND là phải gần dân hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị HĐND các tỉnh, thành bám sát các Nghị quyết của Đảng, tranh thủ cao độ sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, phối hợp tốt với UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh để thực hiện tốt chức năng của HĐND.

Ông Hiển cũng đề nghị HĐND các tỉnh, thành nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ của các đại biểu HĐND, các Ban của HĐND.

“Tăng cường hoạt động TXCT và phương thức TXCT phải thay đổi. Không phải bây giờ mời mấy ông đại cử tri đến mà phải xuống từng người, từng nhà dân để lắng nghe. Thay đổi phương thức tuyên truyền, làm sao cho người dân, cử tri và đại biểu HĐND gần nhau, không còn khoảng cách”, ông Hiển nói và cho hay lãnh đạo, các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét bổ sung, hoàn thiện luật tổ chức chính quyền địa phương.

Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi chuyển giao nhiệm vụ tổ chức Hội nghị lần thứ bảy cho Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên. Ảnh: TẤN VIỆT

Cuối hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển giao nhiệm vụ tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ bảy cho Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên. 

Theo ông Phan Thông, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, việc sáp nhập ba văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh như hiện nay là không phù hợp. “Nếu được thì cho sáp nhập lại thành hai văn phòng thôi là Văn phòng HĐND và đoàn ĐBQH ở chung, còn lại là Văn phòng UBND. Việc này giúp nâng cao trách nhiệm của các văn phòng, trách nhiệm của UBND và sự giám sát của HĐND được phân định rõ ràng”, ông Thông kiến nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay nhiều tỉnh, thành đã thực hiện việc sáp nhập này. Có những tỉnh không được chọn làm cũng xung phong làm.

“Đặc biệt một số tỉnh chọn các huyện đảo để thí điểm như Phú Quốc, Lý Sơn. Ý kiến về việc tổ chức làm sao cho hợp lý cả ba cơ quan này, chúng tôi xin nghiêm túc tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu”, ông Hiển nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm