Đại biểu bức xúc chuyện 'thịt heo rẻ như khoai lang'

Sáng 9-6, phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về kinh tế-xã hội 2016 và những tháng đầu năm 2017 nóng lên với phần phát biểu của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về nông nghiệp, nông dân.

đánh giá cao những thành tựu mà ngành nông nghiệp nước nhà đạt được trong thời gian qua nhưng ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương vẫn cho rằng hiện trạng nông nghiệp vẫn còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Đa số nông dân thì vẫn chật vật, lo toan với nhiều nỗi gian truân. "Bài ca" “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã quá quen thuộc, được nông dân và ĐBQH hát đi hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù “bài ca” đó chẳng được ai cấp phép.

“Trước tôi đã có một số ĐB đề cập, nhiều năm qua, hết thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, hạt tiêu,… giờ đến thịt heo, trứng gà, bí đỏ, chuối và tới đây danh sách nông sản ế thừa chắc sẽ còn kéo dài nữa. Hiện nay, trước tình trạng “Thịt heo rẻ như khoai lang, nhai nát sổ đỏ” như một tờ báo miêu tả, chúng ta đang chứng kiến nỗi đau của người chăn nuôi. Đáng tiếc là trong báo cáo của Chính phủ không có những đánh giá cụ thể về việc này” - ĐB Cương nêu thực tế.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương: "Tôi mong Chính phủ giúp tôi câu trả lời để không phải “chuyển câu trả lời cho nhiệm kỳ kế tiếp” như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nói tại nhiệm kỳ trước".

ĐB Cương nói tiếp: “Tôi được biết cuối năm 2016, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi đã có văn bản cho các bộ, phần thì cảnh báo tình trạng dư thừa do tăng đàn vượt quá quy hoạch chăn nuôi trong nước, thêm vào đó là sự phục hồi của nền chăn nuôi của nước láng giềng, phần thì đưa ra các kiến nghị với hoạt động chỉ đạo, điều hành. Rất tiếc là những kiến nghị đó không được xem xét kịp thời, mà mãi cho đến tháng 4 vừa rồi Bộ NN&PTNT mới họp hành, bàn bạc và trình Chính phủ nhằm đưa ra một số giải pháp, tôi cho là chậm”.

Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng nếu như cơ quan quản lý có sự chỉ đạo kịp thời thì hẳn là thiệt hại cho chăn nuôi sẽ được hạn chế. Mà không chỉ có khâu chăn nuôi, khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước cũng đã và đang kìm hãm sản xuất. “Thử hỏi hiện nay giá thịt heo bán trong siêu thị gấp 3-4 lần thì có được coi là do bị thao túng giá và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước ở đâu và ai là người được lợi trước cảnh được mùa mất giá” - ông Cương thẳng thắn.

Một vấn đề khác được ĐB Cương nhấn mạnh là vấn nạn phân bón giả. Ông Cương cho biết bất cứ một đợt tiếp xúc cử tri nào cũng nghe người dân kêu ca, phẫn nộ khi nói về nạn phân bón giả. Sau kỳ họp thứ 2, các bộ trưởng hứa sẽ họp bàn để tìm giải pháp nhưng sau gần 6 tháng trôi qua, việc duy nhất làm được là chuyển quản lý phân bón về một đầu mối là Bộ NN&PTNT.

“Sản xuất phân bón giả phải coi là tội ác với nông dân. Ấy vậy mà vụ việc sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận phong được 6 Bộ khẳng định mà sau nhiều năm vẫn chưa bị xử lý. Một vụ việc mà 2 đồng chí Phó Thủ tướng thường trực của 2 nhiệm kỳ Chính phủ phải có nhiều văn bản chỉ đạo, chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo, rồi các Bộ có liên quan đều khẳng định Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả nhưng rốt cuộc cho đến nay vẫn không bị khởi tố.

Một cử tri hỏi tôi: “Sao không bắt hết bọn sản xuất, kinh doanh phân bón giả để nông dân yên ổn làm ăn?”. Tôi mong Chính phủ giúp tôi câu trả lời để không phải “chuyển câu trả lời cho nhiệm kỳ kế tiếp” như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nói tại nhiệm kỳ trước” - ông Cương chốt lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm