Đặc khu: Dân lo lắng, bộ trưởng bảo ‘đừng quá sợ’

Về các mối lo ảnh hưởng đến chủ quyền, Bộ trưởng Dũng nói: Trong dự thảo luật không có một chữ nào về Trung Quốc hết. “Họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên…”, Bộ trưởng Dũng nói và cho rằng: “Mọi người đang hình dung tiêu cực; đang hiểu sai trong việc thành lập các đặc khu”.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT nhấn mạnh chính sách của Việt Nam là bình đẳng, không phân biệt các thành phần kinh tế và không một ai có thể vào đây tự ý làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền...

Ông Dũng cũng cho hay cái gì chưa rõ thì giải trình, giải thích. “Phải làm khách quan, không sau này phải trả lời lại trong thời khắc lịch sử ai là người phải chịu trách nhiệm, không phải cứ nói cho sướng, không có suy nghĩ, tư duy” - ông Dũng nói.

“Cái gì cũng sợ thì không làm được” - Bộ trưởng Dũng nói và dẫn phát ngôn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi thành lập đặc khu Thâm Quyến năm 1989 là “Thôi, hãy làm đi, không bàn nữa”.

Ông Dũng khẳng định: “Chúng ta có chủ quyền, có độc lập, có trí tuệ thì sao cái gì cũng sợ. Phải chú ý lắng nghe nhưng đừng có quá sợ”.

Liên quan đến phương án cho nhà đầu tư thuê đất đặc khu thời hạn lên đến 99 năm trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Dũng cho hay: “Nếu có thể thì (dự luật) thiết kế điều kiện chặt chẽ hơn, thế nào là đặc biệt, thế nào là thật đặc biệt, thế nào mới được phép; quy trình phải chặt chẽ và thẩm quyền quyết định phải cao hơn”. Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh: “Nguyên tắc số một khi thiết kế luật này là phải đảm bảo quốc phòng an ninh”.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc nói: “Tôi tán thành với Thủ tướng trước phát biểu vấn đề của luật đặc khu không phải là ở chỗ cho thuê đất 99 năm. Vậy việc gì chúng ta đưa vào 99 năm? Cái 99 năm dễ đánh vào tâm thức mọi người bởi nó là cái gì lâu dài, vĩnh cửu”.

Theo ông Quốc, nếu một doanh nghiệp tốt, lành mạnh, muốn gắn bó và mang lại có lợi cho cả hai bên thì chúng ta hoàn toàn có thể kéo dài thời hạn thuê hơn nữa cũng được. Vì vậy, không việc gì chúng ta phải đưa thời hạn đó vào, vì “nó chẳng khác gì sự cầm cố”.

Dẫn lời bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói thiên hạ cũng cho thuê đất đến 99 năm, ông Quốc cho rằng “thiên hạ” ở tít ngoài đại dương, còn nước ta thì khác. “Chúng ta ở ngay cửa ngõ biển Đông. Vì vậy, chúng ta phải nhìn địa chính trị, đây là điều quan trọng nhất trong thời đại bây giờ. Phát triển gắn liền với ổn định chủ quyền” - đại biểu Dương Trung Quốc nói và cho rằng sự lo lắng của người dân là có cơ sở. 

Nhắc lại chuyện Bộ trưởng TN&MT khẳng định không ai phát hiện được hiện tượng mua bán đất của người nước ngoài, ông Quốc nhận định: Đúng là không ai đăng ký mua đất được nhưng có những người Việt Nam sẵn sàng vì lợi ích nhỏ đứng ra mua đất cho người nước ngoài. Ông Quốc cho hay nhiều người ở Đà Nẵng nói với ông có hiện tượng này.

“Điều tôi lo lắng là Chính phủ nói kiểm soát được vấn đề đất ở khu vực đặc khu nhưng bây giờ các mảnh đất Vân Đồn, Phú Quốc có chủ rồi. Như vậy nhà đầu tư mới phải mặc cả với các ông bất động sản, đó là rào cản lớn nhất chứ không phải 99 năm, 70 năm” - ông Quốc cho hay.

Vị đại biểu này cho rằng đặc khu là cần thiết nhưng khi đưa ra mô hình phải phù hợp với xu hướng thời đại, đặc trưng riêng của Việt Nam.

“Cá nhân tôi cho rằng nếu làm thì cần làm từng cái một, đã chậm rồi thì chậm nhưng kỹ, chắc, không ào ạt. Trong đó phải ưu tiên đến chủ quyền quốc gia” - ông Quốc nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm