Đã nghe đã thấy: Tuyên chiến với cái... “tốt”

Báo Dân Trí ngày 3-6 có trích dẫn lời của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhắc nhở Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh cần phải xử lý mạnh tay hơn nữa chứ không thể ngại vì nghĩ cho đơn vị, nếu không cuối năm ông Thăng sẽ xử lý vị này “vì “tội” anh… tốt chứ không phải vì anh kém”. Lời của ông Thăng được đưa ra tại cuộc họp về hai công trình vừa hoàn thành nhưng đã phát hiện hư hỏng là Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long và Dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn Vinh - Hà Tĩnh và tuyến tránh Vinh, sau khi nghe các bên liên quan biện giải, cho rằng mình chẳng có gì sai và đổ lý do... “tại trời”.

Ông Thăng có lẽ là vị bộ trưởng đầu tiên chỉ ra tốt cũng là cái “tội”. Nghe đau nhưng đúng thật, nhất là trong tình trạng bấy lâu nay đâu đâu người ta cũng thích nói tốt về nhau, báo cáo tốt với nhau, đánh giá tốt cho nhau. Cái bệnh “tốt khoe, xấu che”, ngại chỉ ra khuyết điểm, ngại nhận thấy mình sai, ngại gánh trách nhiệm về mình đã tạo ra những mạng nhện đầy nguy hiểm, che giấu đi sự thật - những sự thật với những thực tế có khi rất phũ phàng. Nguy cơ có thể đọc thấy được, nếu những cái tốt kiểu này xếp chồng lên nhau thì đó chính là bệ đỡ cho cái xấu lên ngôi trong xã hội. Sẽ rất đắng lòng nếu có ai đó nói rằng: “Chúng ta yếu đi là vì chúng ta đang tốt với nhau” nhưng đúng là có những chuyện “thương nhau như thế bằng mười phụ nhau”.

Rất nhiều sự vụ cho thấy nhìn vào báo cáo, nghe báo cáo cứ ngỡ mọi chuyện đều tốt. Thậm chí qua bao công cụ kiểm tra, thanh tra vẫn không tài nào phát hiện tiêu cực ở các đơn vị cho đến khi mọi chuyện “bùm-xì”. Thử hỏi đất nước đã mất bao nhiêu tiền cho cái “tốt với nhau” kiểu như thế? 10 tỉ, 100 tỉ, 1.000 tỉ đồng,… cái mất vật chất đó có thể đo đếm được nhưng những cái mất về lòng tin, những tai tiếng ảnh hưởng đến thương hiệu của quốc gia, sao đánh giá cho hết được thiệt hại.

Chẳng hiểu thế nào khi nghe Bộ Nội vụ thông tin các nơi báo cáo tỉ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ ở địa phương chỉ là 0,6%, các bộ ngành là chỉ 0,5% - tức con số hoàn thành nhiệm vụ phải là gần 99%; hay như nghe tỉ lệ học sinh giỏi rất cao, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước mình nhiều… thì đáng lẽ đó là điều nên vui, là điềm tốt cho sự hưng thịnh của quốc gia chứ. Vậy mà người ta vẫn cứ thấy có điều gì không ổn sau những cái “tốt” đó, vẫn thấy có gì ngậm ngùi, bứt rứt trong lòng khi đối chiếu với những sự thật đang diễn ra.

Đất nước ta còn nghèo. Rất nhiều khó khăn phải đối mặt trước mắt cũng như lâu dài. Chúng ta đang cần những cái tốt thật sự, mà quan trọng hơn cả vẫn là những cán bộ tốt - những con người biết xấu hổ trước cái không tốt và kiểu làm ăn dối trên lừa dưới. Đó phải là những con người có trí tuệ, có bản lĩnh, dám làm dám chịu và phải mạnh dạn loại bỏ những cái tốt mạo danh. Còn ai tốt kiểu “hiền lành” nói gì cũng nghe, báo gì biết đó, nhu nhược; không dám đối diện với sự thật để vượt lên; bị những cái giả dối dụ dỗ thì xin mời… đi chỗ khác chơi!

MẠNH LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm