Đã nghe đã thấy: Thay vì xin lỗi, lại đổ lỗi

Tối 21-3, ông Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi (Bộ Tài chính) khi trả lời phỏng vấn bản tin Tài chính kinh doanh về trách nhiệm trong việc chậm ban hành đưa ra mức thuế xuất nhập khẩu mới, từ MFN (thuế suất bình đẳng theo nguyên tắc tối huệ quốc) sang bình quân gia quyền làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu... đã phát biểu: “Bộ Công Thương vẫn là bộ được giao chủ trì quyết định”.

Thế là ngay sau đó Bộ Công Thương bất ngờ gửi công văn tới Bộ Tài chính phản ứng khá gay gắt với phát biểu của ông Phạm Đình Thi về việc ông này cho rằng Bộ Công Thương mới là nơi chủ trì quyết định mức thuế nhập khẩu mới để tính giá cơ sở điều hành xăng dầu. Bộ Công Thương cho rằng ông Thi “chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của hai bộ và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2014) trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu và điều hành giá xăng dầu” và rằng: Bộ Tài chính mới phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ ban hành mức thuế xuất nhập khẩu mới, làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành xăng dầu.

Còn nhớ những vấn đề xã hội nổi cộm gần đây như việc dùng chất cấm trong chăn nuôi, tình trạng hàng lậu, hàng giả tràn ngập, tình trạng tội phạm gia tăng… chúng ta đều không thấy những hành động nhận lỗi, xin lỗi từ phía những người đứng đầu, được coi là những “tư lệnh” của ngành.

Dù sao câu chuyện đổ lỗi giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng đã có hồi kết khi trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng 26-3, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã xác nhận rằng: “Chúng tôi đã sang Bộ Công Thương để nhận trách nhiệm và nhận là phải sửa”.

Nhưng chắc chắn người dân sẽ cần nhiều hơn nữa, ngoài lời xin lỗi hoặc nhận trách nhiệm. Bởi lẽ khi gánh vác trọng trách được giao phó, những “công bộc của dân”, như lời của Hồ Chủ tịch gọi, phải làm trọn nghĩa vụ với nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm