Đã nghe đã thấy: Bỏ mà không bỏ

Theo đó, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định 6139 cũng được bãi bỏ.

Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo đã từng khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, TP trực thuộc trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo. Quy hoạch này đã làm cho rất nhiều doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu gạo phá sản hoặc phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Cá biệt, có những doanh nghiệp phải sang Singapore lập công ty để xuất khẩu gạo của chính mình. Có doanh nghiệp thì phải sang Campuchia để xay xát, xuất khẩu gạo và… đóng thuế cho nước sở tại.

chuyên gia bình luận động thái bãi bỏ này mới chỉ ở bước đầu tiên. Bởi lẽ Nghị định 109/2010 với sáu chương, 30 điều của bộ này vẫn còn tồn tại. Hàng loạt thủ tục, điều kiện liên quan đến xuất khẩu gạo vẫn còn đó và sự độc quyền trong xuất khẩu gạo dường như vẫn được cố gắng duy trì. Cơ chế xin cho, mà thực tế là những cài cắm lợi ích, đối với các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu gạo vẫn chưa được tháo cởi hoàn toàn.

Đáng lưu ý hơn, việc Bộ Công Thương bãi bỏ Quyết định 6139 trong bối cảnh bộ này tuyên bố sẽ đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính dường như vẫn tạo ra nhiều nghi ngại. Bởi khi Bộ Công Thương bãi bỏ Quyết định 6139 thì cũng là lúc Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa có hiệu lực từ 1-1-2017.

Trong danh mục này, ngành xuất khẩu gạo lại được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện với số thứ tự 55. Rồi đây Bộ Công Thương chắc chắn sẽ phải chủ trì soạn thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật nói trên, trong đó sẽ có hướng dẫn việc xuất khẩu gạo.

Điều ấy cho thấy rằng: Việc Bộ Công Thương bãi bỏ Quyết định 6139 trong khi đã có hàng chục doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu gạo đã phá sản hoặc đóng cửa và xuất khẩu gạo mới được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện dường như không có ý nghĩa cao.

Bởi xét cho đến cùng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ bỏ đi một văn bản trái luật. Nhưng đó mới là xử lý sai phạm về thẩm quyền, một thứ khá rõ ràng. Còn việc xử lý bất cập của các điều kiện kinh doanh tại Nghị định 109 thì nhiều người vẫn đang đợi những hành động quyết liệt hơn nữa của Bộ trưởng. Nhưng điều rất may cho Bộ trưởng và không may cho các doanh nghiệp đó là: Những hành động quyết liệt ấy có thể không cần nữa khi hoạt động thương mại là xuất khẩu gạo đã được nâng lên thành ngành nghề có điều kiện kinh doanh.

Bỏ mà không bỏ như trong trường hợp này mới là… vi diệu!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm