Đất đóng băng, Đà Nẵng bí tiền - Kỳ cuối

Đà Nẵng trả giá cho phát triển thiếu bền vững

Đà Nẵng trả giá cho phát triển thiếu bền vững ảnh 1
Từ năm 2005, trên Tuổi Trẻ, ông Lê Đăng Doanh đã lên tiếng cảnh báo về sự phát triển “nóng” dựa trên nguồn thu từ đất của Đà Nẵng

TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với PV về câu chuyện những khó khăn hiện nay của Đà Nẵng. Ông Doanh nói:

- Những tiến bộ và sự phát triển vượt bậc ở Đà Nẵng thời gian qua là rất thuyết phục và không thể phủ nhận. Hạ tầng và quản lý đô thị của Đà Nẵng đã có những thay đổi nhanh chóng, có thể cho nhiều bài học tốt. Đà Nẵng cũng vượt lên nhiều địa phương khác về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Tuy nhiên, như tôi từng cảnh báo, với hơn 80% nguồn thu là từ đất đai, Đà Nẵng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thu này không bền vững. Đáng tiếc là những cảnh báo đã không được lắng nghe.

* Khó khăn hiện nay là chung của cả nước, không riêng gì Đà Nẵng, nhưng mô hình phát triển của Đà Nẵng phải chăng “có vấn đề”?


- Đà Nẵng đang giảm sút mạnh so với chính mình trước đây và khó khăn hơn nhiều địa phương khác do nguồn thu từ đất đai giảm. Các dự án đầu tư dựa trên tính toán giá đất cao, giờ thiếu nguồn tài chính. Đó là hệ quả phát triển quá nóng, dựa quá nhiều vào nguồn thu từ đất đai và bất động sản. Khai thác quỹ đất để phát triển không sai, nhưng đó chỉ nên là động lực cho giai đoạn phát triển ban đầu. Có tiền, đầu tư “hạ tầng cứng” là đúng, nhưng bên cạnh đó phải quan tâm phát triển “hạ tầng mềm” để đưa kinh tế đi lên bền vững, khai thác tốt hạ tầng đã đầu tư.

* Đà Nẵng chọn ngành mũi nhọn là du lịch, nếu cũng chú trọng phát triển công nghiệp thì sẽ phá vỡ mô hình địa phương này?

- Đà Nẵng chọn phát triển du lịch, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin là hoàn toàn đúng. Nhưng tôi cho rằng Đà Nẵng có thể phát triển cân bằng hơn. Nếu quy hoạch tốt thì một số khu vực ở Đà Nẵng vẫn có thể phát triển công nghiệp, tạo thêm thu nhập và việc làm cho dân cư. Riêng vùng ven biển vẫn phát triển du lịch, đi kèm là nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại, tạo chuỗi liên kết để nâng cao nguồn thu.

Mỗi địa phương có đặc điểm khác nhau, nhưng so với Đà Nẵng, Bình Dương phát triển cân bằng hơn rất nhiều, họ có công nghiệp, tạo mọi điều kiện để thu hút vốn FDI, phát triển kinh tế tư nhân. Bình Dương đầu tư hạ tầng từng bước, làm đến đâu sử dụng, thu hút vốn đến đó, tạo sự quay vòng nguồn vốn, tạo nguồn thu mới. Nên nay họ có gặp khó khăn nhưng không quá lớn. Không phát triển nóng nên số dự án dở dang ở Bình Dương cũng ít hơn Đà Nẵng. Đây không chỉ là bài học của Đà Nẵng mà là của cả nước: không nên dựa quá mức vào một nguồn lực, trong khi nguồn lực đó không thật sự bền vững.

* Còn việc phát triển hạ tầng, đặc biệt là việc đổ vốn đầu tư xây dựng những cây cầu hiện đại, thưa ông?


- Theo tôi, thời gian qua Đà Nẵng đã phát triển quá nóng. Những cây cầu làm được là rất tốt, nhưng liệu các cây cầu đó đã phát huy hết hiệu quả chưa? Có thể bớt xây một cây cầu để đầu tư vào công nghiệp, đào tạo hay không? Cả ngàn tỉ đồng làm cầu đó nếu đem đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học và thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ tốt hơn cho Đà Nẵng?

Là địa phương từng dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhưng vì sao khu vực kinh tế tư nhân của Đà Nẵng vẫn chưa phát triển tương xứng? Bây giờ hỏi những thương hiệu tư nhân liệu Đà Nẵng có những thương hiệu gì tiêu biểu, sản phẩm gì mới? Ngoài Festival pháo hoa, cuộc thi Robocon rất tốt thì còn gì nữa? Rồi đầu tư của Đà Nẵng có thật sự hiệu quả chưa?

* Đề ra mục tiêu thì dễ nhưng thực hiện mục tiêu đó lại khó, chẳng hạn Đà Nẵng muốn triển khai thành trung tâm tài chính khu vực nhưng mục tiêu này vẫn đang dở dang?

- Tiềm năng của Đà Nẵng là rất lớn, vấn đề là cách làm. Đà Nẵng có thể là trung tâm, cửa ngõ giao thương cho Lào, đông bắc Thái Lan và cả Myanmar qua hành lang kinh tế Đông Tây. Đà Nẵng đã đưa mục tiêu thành trung tâm tài chính, công nghệ cao, phát triển công nghệ phần mềm... Nhưng để trở thành những trung tâm tài chính cần phải có nền kinh tế thực, có nhu cầu lớn về tài chính. Và ngoài “hạ tầng cứng”, “hạ tầng mềm” cho một trung tâm tài chính cần có là phải tạo sự vượt trội về công nghệ thông tin, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế thông thoáng, môi trường kinh doanh lành mạnh...

Ngoài ra, Đà Nẵng phải tạo được mối liên kết với những địa phương khác. Điều này đòi hỏi Đà Nẵng phải tạo được sức hút, đem lại lợi ích cho các tỉnh khác để Đà Nẵng trở thành trung tâm chứ không thể tự phong.

* Vậy theo ông, đâu là giải pháp để Đà Nẵng có thể vượt qua những khó khăn hiện nay?


- Tôi không nghĩ Đà Nẵng bế tắc, mà đang trong thời điểm trả giá cho giai đoạn phát triển quá nóng. Du lịch, dịch vụ của Đà Nẵng là tốt, nên tiếp tục phát triển. Có thể Đà Nẵng cần thêm thời gian và cần sự hỗ trợ của trung ương. Đà Nẵng nên xem xét đề nghị trung ương giúp đỡ, nếu trung ương hiện cũng eo hẹp về ngân sách thì nên cho phép Đà Nẵng phát hành trái phiếu để vượt qua khó khăn, có tiền hoàn thành nốt những công trình đầu tư có hiệu quả đang dở dang. Làm sao để Đà Nẵng tiếp tục đà phát triển đã tạo dựng được và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa...

* Ông Nguyễn Quang Nga (đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa 5-6-7):

Có lắng nghe nhưng không đưa vào nghị quyết

Khi còn là đại biểu HĐND, tôi đã nhiều lần lên tiếng khuyến cáo về việc tìm nguồn thu căn bản. Bởi việc khai thác quỹ đất phát triển hạ tầng chỉ là tạm thời, còn cái cơ bản là phải phát triển sản xuất kinh doanh, không thể dựa vào việc bán đất kéo dài mãi được. HĐND có lắng nghe nhưng không đưa vào thể hiện trong nghị quyết của HĐND. Nghị quyết nào cũng nói tăng cường sản xuất nhưng không nhấn mạnh, chỉ ra cụ thể tăng cường sản xuất ngành gì, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nào, ưu tiên cụ thể và giải pháp như thế nào.

Bao năm nay Đà Nẵng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng để phát triển kinh tế nhưng lại quá coi nặng về đầu tư cơ sở hạ tầng mà xem nhẹ đầu tư phát triển sản xuất, vốn tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng quá nhiều. Hậu quả là hiện nay khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, việc xoay xở tìm kiếm nguồn thu từ sản xuất kinh doanh không dễ dàng bởi phải có một quá trình đầu tư chuẩn bị.

* Ông Trương Phước Ánh (đại biểu HĐND khóa 8):

Kiếm nguồn thu thay thế là không dễ

Trước đây trong các kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, một số đại biểu HĐND đã lên tiếng yêu cầu xem lại cơ cấu nguồn thu cũng như cơ cấu GDP của TP, có giải pháp để kiếm nguồn thu bền vững hơn. Bởi xét cho cùng, khai thác quỹ đất để bán là một cách khai thác tài nguyên, nhưng nguồn tài nguyên này chỉ có hạn, đến một lúc nào đó sẽ không còn nữa. Chỉ có nguồn thu từ sản xuất kinh doanh mới bền vững.

Tuy nhiên, việc thay đổi cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh để mong tạo được nguồn thu ngay là rất khó, bao giờ nó cũng có độ trễ về mặt thời gian. Đầu tư hoạt động sản xuất cũng không phải một sớm một chiều là kiếm được nguồn thu ngay mà phải có một quá trình. Việc thay đổi ngay để kiếm một nguồn thu khác thay thế trong thời điểm hiện nay không phải là vấn đề dễ dàng. Để cải thiện nguồn thu, theo tôi, Đà Nẵng nên tiếp tục kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh sản xuất nhưng phải kiểm soát năng lực tài chính của nhà đầu tư khi giao tài nguyên cho họ. Phải xem nhà đầu tư sử dụng có đúng mục đích, tiến độ, khai thác hay không, chứ không thể để nhà đầu tư vào xí phần rồi mang đi bán lại dự án.

Đ.NAM - H.KHÁ ghi


Theo CẦM VĂN KÌNH (TTO) thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm