Đà Nẵng phản hồi 4 kiến nghị về Sơn Trà như thế nào?

Theo Phó chủ tịch UBND TP. Đà nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, ngày 21-3-2017, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng ký văn bản gửi Thủ tướng đề nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà với bốn nội dung.

Bốn kiến nghị

Thứ nhất, giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà vì hiện có 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, hoàn toàn có thể đón 15 triệu khách mỗi năm. Năm 2016 mới chỉ đón 5,5 triệu khách.

Thứ hai, chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử du khách, hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm.

Thứ ba, hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với Sơn Trà nhằm giảm trừ nguy cơ phá huỷ rặng san hô ven bờ, thay đổi dòng hải lưu, phá huỷ bờ biển, ảnh hưởng KT-XH của dân cư.

Thứ tư, hợp nhất khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà được thành lập theo quyết định số 45 (của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm  2020, tầm nhìn 2030) và vùng xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn khu sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.

Chỉ 253 phòng khách sạn phù hợp

Trả lời về những kiến nghị này, ông Tuấn cho hay, để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú/năm (gấp ba lần hiện nay), Đà Nẵng phải có 58.000 phòng. Như vậy trong những năm tới, Đà Nẵng cần phát triển thêm các cơ sở lưu trú.

“Việc quy hoạch các cơ sở lưu trú theo quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 33 Bộ Chính trị và phù hợp với nhu cầu thực tế phát triển du lịch Đà Nẵng, kết hợp hài hoà giữa bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật, chú trọng duy trì, phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, môi trường, cảnh quan đa dạng sinh học”- ông Tuấn nói.

Phó chủ tịch Đà Nẵng cũng thông tin thêm, theo thống kê đến thời điểm hiện nay, trên khu vực các dự án đã triển khai, chỉ có 253 phòng đã đăng ký sử dụng phù hợp.

Liên quan đến kiến nghị thứ hai, ông Tuấn cho rằng, quy hoạch khu du lịch Sơn Trà với nhiều chức năng vui chơi, giải trí, ngắm cảnh, nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên. Nếu có các giải pháp tốt về kiến trúc quy hoạch xây dựng và quy chế quản lý chặt chẽ sẽ tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn mà vẫn đảm bảo yếu tố bảo tồn thiên nhiên.

“Việc hạn chế phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm là một trong nhiều biện pháp tổ chức, quản lý”- ông Tuấn cho biết.

Về kiến nghị thứ ba, ông Tuấn cho biết, theo quy hoạch, các dự án hiện nay không nối liền theo toàn bộ viền chân bán đảo mà vẫn giữ khoảng giãn cách giữa các dự án. Bản thân các dự án có mật độ xây dựng thấp dưới 10%. Ngoài ra khi quy hoạch chi tiết các dự án phải nghiên cứu các giải pháp bảo vệ vùng bờ, vùng đệm.

Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết thêm, bán đảo Sơn Trà với chiều dài bờ biển khoảng 35,5km, không tính khu vực cảng Tiên Sa, có các khu chức năng du lịch nằm rải rác ven biển. Tuy nhiên phần mặt tiền giáp biển, kể cả diện tích đất rừng vẫn còn trong các khu chức năng, chỉ khoảng 12,3km,  do vậy vẫn bảo đảm cho động vật hoang dã tiếp cận bờ biển.

Về kiến nghị thứ tư, Phó chủ tịch Đà Nẵng cho rằng đây là đề xuất cần nghiên cứu chuyên sâu đảm bảo tính khoa học. Trong quá trình triển khai cụ thể hoá quy hoạch tổng thể bằng các quy hoạch chung, chi tiết và xây dựng quy chế quản lý, Thành phố sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học cũng như cảnh quan tự nhiên của Sơn Trà và vùng phụ cận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm