Đà Nẵng không cần ngành sản xuất thép

Tại buổi làm việc, ông Hồ Kỳ Minh (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho hay hai nhà máy thép là Dana Ý và Dana Úc (huyện Hòa Vang) rộ lên chuyện ô nhiễm từ tháng 12-2016.

Không thể để hai nhà máy thép lại

“TP tiếp dân nhiều lần rồi. Cả hai phương án, một là di dời hai nhà máy thì vướng hai việc là chưa có vị trí quy hoạch, thứ hai là kinh phí lớn, di dời mà đường DT601 và Nguyễn Tất Thành nối dài xong thì chỗ này cũng bị ngập úng. Di dời dân nhưng trong bán kính nhỏ quá nên không hiệu quả, không đạt” - ông Minh nói.

Ông Trương Quang Nghĩa cho hay chuyện hai nhà máy thép không thể giải quyết bằng bài toán là có tiền di dân tái định cư không. Có thể vẫn phải di dân bởi vì đó là khu công nghiệp. Nhưng không thể để hai nhà máy lại.

Ông Hồ Kỳ Minh (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), cả hai phương án di dời dân và di dời nhà máy thép ô nhiễm đều vướng nhiều vấn đề khó giải quyết. Ảnh: Tấn Việt

“Tôi sẽ nói ý kiến này ra trước Ban Thường vụ và chắc chắn Ban Thường vụ cũng sẽ đồng tình. Ngành luyện kim, sản xuất thép này không phải là ngành Đà Nẵng cần. Tôi nói là chữ cần chứ chưa nói là ưu tiên. Đề nghị các đồng chí ở TP lưu ý, giải quyết rốt ráo một lần cho xong. Chứ không sẽ phá vỡ hết quy hoạch của các ngành sản xuất khác”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, TP đang tồn tại mâu thuẫn liên quan nhu cầu của người dân. Những gì không đảm bảo là phải dừng, nguyên tắc là như thế. Tiếng ồn là một, khói bụi là hai và nhất là trong năm có khi chỉ sản xuất được một mùa nào đó.

“Ngành luyện kim người ta chỉ dành cho những vùng đất rộng rãi, không có cái gì khác để làm thôi. Đà Nẵng lại đi theo vệt truyền thống của thế giới, tức là các ngành công nghiệp nào là ô nhiễm, nào là năng lượng, nước. Chính vì những thứ đấy mà các nước đổ sang các nước khác. Đà Nẵng chẳng có lý do gì để tồn tại và nhận ngành này”, ông Nghĩa nói và đề nghị Sở TN&MT có tiếng nói, quản lý môi trường, quản lý đô thị phải nói đến cái này. Trong đó lưu ý trách nhiệm của Sở Xây dựng.

Chữa bệnh thì phải đau

Cho rằng Đà Nẵng đang lộn xộn trong quy hoạch và “muốn chữa bệnh thì phải đau”, ông Nghĩa đề nghị UBND, HĐND TP dành và ưu tiên nguồn lực để làm quy hoạch.

“Một số chuyên gia nói rằng quỹ bất động sản Đà Nẵng hiện nay đủ để giải quyết cho ba triệu dân. Chúng ta có phát triển quá nóng để thu tiền đất không? Chúng ta có quản lý cái đó để phục vụ thực sự cho phát triển dân kế không, cần xem lại quản lý của chúng ta”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, TP đang phải giải quyết hậu quả khá nặng nề từ phát triển nóng. Các chính sách kêu gọi đầu tư của chúng ta cũng đang phải giải quyết hậu quả. Giờ người ta nói là không thể lấy cái sai của chính quyền để bắt người dân chịu. Câu chuyện đất cát cấp giấy vừa rồi là ví dụ.

Ông Trương Quang Nghĩa nêu quan điểm Đà Nẵng không cần ngành luyện kim, sản xuất thép. Ảnh: Tấn Việt

Rồi chuyện quy hoạch, có cái mới có cái cũ. Cái mới thì chưa nằm trong cái tổng thể được quy hoạch rõ ràng và chúng ta cứ có nhà đầu tư là kêu gọi. Thậm chí là quyết định theo nhà đầu tư. Câu chuyện này vô cùng nguy hiểm.

“Đề nghị HĐND TP chúng ta chấp nhận đổi chỉ tiêu của năm 2018, thậm chí năm 2019, nếu cần kể cả nhiệm kỳ này để chúng ta có được một chuẩn trong quản lý. Cần nguồn lực trong, ngoài nước rà soát lại quy hoạch phát triển KT-XH, không gian đô thị, đặc biệt là từ trung tâm đến huyện Hòa Vang”, ông Nghĩa nói.

Bí thư Đà Nẵng nói thêm, TP bây giờ quyết liệt bảo vệ môi trường biển. Đấy là các dự án trọng điểm nhưng phải ưu tiên, phải ngăn ngừa hết tất cả từ nay đến năm 2020 biển Đà Nẵng phải thật sự sạch, không được ô nhiễm. Đặc biệt hết sức lưu ý môi trường sinh thái. Có môi trường biển trong lành nhưng phải có không khí từ các vạt rừng. Đà Nẵng hơn rất nhiều TP khác ở chỗ này.

“Chúng ta không biết giữ gìn, không biết phát triển lên là đến ngày đấy chúng ta phá vỡ hết. Kiểm soát, rà soát lại và điều chỉnh quy hoạch theo hướng đó. Triển khai các dự án trên nguyên tắc cái bé nằm trong quy hoạch cái lớn, đừng để từ cái bé rồi đi ra. Sau đây Thường vụ sẽ có nghị quyết riêng về công tác quy hoạch”, ông Nghĩa nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm