Đà Nẵng: Hàng trăm trẻ em, phụ nữ mang thai là F0 đang được điều trị

Ngày 27-8, Đà Nẵng ghi nhận 202 ca COVID-19, trong đó 93 ca cách ly tập trung, 43 ca cách ly tạm thời tại nhà, 55 ca trong khu phong tỏa và 11 ca cộng đồng. Đây là số ca nhiễm trong ngày lớn nhất kể từ ngày thực hiện quyết định "ai ở đâu thì ở đó".

Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh tại các ngõ hẻm đang hết sức phức tạp do người dân qua lại, nói chuyện trong thời gian giãn cách xã hội.

Quận Thanh Khê ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 72 trường hợp, riêng phường Tam Thuận có 48 ca COVID-19 ở các kiệt K158, K246, K260, K244, K254, K236 đường Trần Cao Vân. Quận Hải Châu có 61 ca COVID-19, trong đó chuỗi lây nhiễm tại các kiệt ở phường Hòa Thuận Đông là 18 ca.  

Tính từ 10-7 đến nay Đà Nẵng ghi nhận 3.657 ca COVID-19. Hiện số bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện là 2.007. 

Đà Nẵng sẽ tăng cường kiểm soát các kiệt hẻm vì xuất hiện nhiều ca lây nhiễm. Ảnh: BÙI TOÀN.

Chiều tối nay, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, nguy cơ dịch bệnh ở các kiệt, hẻm hiện nay rất lớn.

Ông Quảng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải chỉ đạo và kiểm tra thực hiện quyết liệt, khắc phục bằng được các hạn chế, không để F0 lây lan trong khu dân cư.

Từ ngày mai (28-8), TP sẽ bước vào đợt xét nghiệm đại diện hộ gia đình lần thứ 4, đề nghị Sở Y tế tập trung chỉ đạo quyết liệt để nâng cao chất lượng trong lần xét nghiệm này.

“Quyết tâm giãn cách thêm 10 ngày, mục tiêu là phải cắt bằng được nguồn lây và phát hiện F0 cộng đồng. Chúng ta đã đổ biết bao nguồn lực rồi thì lần này tiếp tục phải làm tốt hơn những lần trước”- ông nói.

Về công tác điều trị, ông Quảng cho biết số F0 đang điều trị tăng cao, trên 2.000 người. Lần này bệnh nhân có đặc điểm là số bệnh nhân nặng và nguy cơ tử vong, nhất là với người béo phì là rất cao.

Hiện có hơn 300 bệnh nhân là trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó hơn 100 em dưới 5 tuổi và 26 phụ nữ mang thai. Điều này đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với ngành y tế trong công tác điều trị.

“Nếu chúng ta không kiềm chế, giữ được tốc độ gia tăng F0 thì chúng ta sẽ mất kiểm soát về khả năng điều trị và gây ra khủng hoảng. Bởi nếu điều trị tập trung thì điều kiện về mặt y tế sẽ tốt hơn, còn để F0 điều trị ở nhà thì sự phức tạp, khả năng kiểm soát lây lan thì khẳng định là khó kiểm soát”- ông Quảng nói.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết nhiều người dân vẫn có tâm lý chủ quan với dịch bệnh, nhất là khi đã 2-3 lần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Do đó, ông đề nghị các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm F0 trong các khu dân cư. Lực lượng công an, quân đội cần tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các điểm nóng, khu vực phong tỏa, đảm bảo tuân thủ “ai ở đâu ở đó” tại các ngõ, hẻm.

Lãnh đạo TP cũng giao Sở LĐ-TB&XH, UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát trường hợp vô gia cư, yếu thế, người lang thang, cơ nhỡ để đưa về các khu tập trung và tổ chức ăn ở chu đáo.

“TP chúng ta không nhiều trường hợp trên nhưng cho tới 10 ngày nữa có thể xảy ra việc này. Tôi rất lo các khu ở của công nhân, sinh viên và người nước ngoài. Chúng ta phải làm tốt việc này, đừng để việc nhỏ mà ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch chung của TP”- ông Chinh lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm