Đà Nẵng được phép tắm biển, đón khách lưu trú từ 23-4

Ban Chỉ đạo đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, các hội, đoàn thể tập trung triển khai một số nội dung, sau: tiếp tục thực hiện nghiêm túc, không chủ quan, buông lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và các chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan Trung ương liên quan.

Được tắm biển, đón khách lưu trú trở lại

Người dân Đà Nẵng sẽ được tắm biển trở lại nhưng không được quá đông người.Ảnh: LÊ PHI

Đà Nẵng xác định việc hạn chế tập trung đông người và giãn cách xã hội là biện pháp hiệu quả nhất trong việc phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn này. Đồng thời quán triệt toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động luôn ý thức thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, các hoạt động sau đây tiếp tục tạm dừng kể từ ngày 23-4 gồm: hoạt động tại các khu vui chơi giải trí tập trung, khu, điểm du lịch; hoạt động các tuyến xe buýt nội đô, liên tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam và Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế; xe du lịch điện, vận tải khách thủy nội địa (riêng hoạt động Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tạm dừng đến ngày 30-4-2020); các nghi lễ tôn giáo tập trung trên 20 người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; vũ trường, karaoke, bar, pub, lễ hội, rạp chiếu phim, mát-xa, tham quan bảo tàng và di tích, trò chơi điện tử, trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài, casino, thư viện, biểu diễn nghệ thuật, vui chơi và giải trí trong nhà; thể dục thể hình, khiêu vũ thể thao, bi-a, yoga, bể bơi.

Các hoạt động được phép hoạt động kể từ ngày 23-4 gồm:

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP; yêu cầu các chủ cơ sở, toàn bộ nhân viên và khách lưu trú thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…) và khai báo y tế theo quy định;

Hoạt động xe du lịch, xe hợp đồng, xe taxi nhưng chỉ được phép vận chuyển 50% số lượng khách theo số lượng ghế ngồi của xe; yêu cầu tất cả người trên xe phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi lên xuống xe; khi kết thúc hành trình, xe phải được khử khuẩn bề mặt mới được vận chuyển tiếp;

Các hoạt động văn hóa, thể thao trừ các hoạt động (đã yêu cầu tạm dừng ở trên); hoạt động tắm biển nhưng phải đảm bảo không tập trung đông người tại cùng một thời điểm;

Khuyến khích chủ các cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện bán mang đi, bán trực tuyến. Trong trường hợp bán tại chỗ thì phải thực hiện bố trí đảm bảo khoảng cách 2 mét giữa khách hàng, người phục vụ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Các hoạt động khác ngoài tạm dừng và được phép hoạt động thì được phép hoạt động bình thường trên cơ sở đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.

Học sinh đi học lại từ ngày 4-5

Tất cả công chức, viên chức, cán bộ, người lao động tại các đơn vị, cơ quan, địa phương tổ chức làm việc bình thường.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP được hoạt động trở lại. Ảnh: LÊ PHI.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường; Có kế hoạch cho học sinh, học viên, các trường, trung tâm từ lớp 1 đến lớp 12, học viên các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, dạy thêm-học thêm.... đi học lại từ ngày 4-5; học sinh mầm non đi học lại từ ngày 11-5; đảm bảo các quy định, điều kiện phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, bố trí giãn cách chỗ ngồi, vệ sinh bề mặt...).

TP cũng tạm dừng việc tổ chức cách ly công dân từ TP Hà Nội và TP.HCM kể từ ngày 23-4 nhưng phải hướng dẫn thực hiện tự theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Đối với các trường hợp nghi ngờ thì tiến hành xét nghiệm và thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo quy định. Đối với những công dân đến từ các khu vực dịch nguy cơ cao thì thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú kể từ ngày 23-4.

Tiếp tục duy trì hoạt động kiểm soát, giám sát y tế tại sân bay, cảng biển, ga tàu; dừng hoạt động đối với các chốt kiểm soát đường bộ ra, vào TP.

UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Công an TP và các đơn vị chức năng liên quan rà soát công nhân ở các khu lao động, đặc biệt ở các khu nhà trọ, người lao động tự do, người yếu thế, học sinh, sinh viên trên địa bàn để kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ và áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Xây Dựng, Ban Quản lý các dự án, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, UBND các quận, huyện chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, chủ đầu tư đảm bảo hoạt động xây dựng, lao động, sản xuất tại các công trường, xí nghiệp, nhà máy, phân xưởng theo đúng quy định về phòng, chống dịch. Người đứng đầu, quản lý công trường xây dựng, các cơ sở, doanh nghiệp... chịu trách nhiệm về hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh đối với cơ sở do mình quản lý.

Sở Giao thông vận tải cập nhật chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để kịp thời tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm