Cựu thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường liên quan đến Út ‘trọc’

Ngày 14-8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam bị can Nguyễn Hồng Trường (cựu thứ trưởng Bộ GTVT) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ba bị can khác gồm Đinh La Thăng (cựu bộ trưởng Bộ GTVT), Nguyễn Chí Thành (cựu vụ phó Vụ Tài chính Bộ GTVT) và Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính Bộ GTVT) cũng bị khởi tố về tội danh trên.

Liên quan đấu giá thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Theo Bộ Công an, bốn bị can bị khởi tố trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu giá và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Lúc đương nhiệm, ông Nguyễn Hồng Trường là chủ tịch hội đồng bán đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc nêu trên.

Trong vụ án trên, vào tháng 10-2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố chín bị can, bắt tạm giam sáu người.

Trong đó, ba người của Tổng Công ty Cửu Long bị cáo buộc tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Còn sáu người ở Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh bị khởi tố về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”).

Ông Đinh La Thăng (trái) tiếp tục bị khởi tố trong vụ án mới cùng cựu thuộc cấp Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: TP

Chưa hồi vốn đã dừng thu phí

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương (62 km) đưa vào sử dụng năm 2010 và bắt đầu thu phí từ năm 2012.

Sau khi thu phí trong hai năm với số tiền 720 tỉ đồng, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (nay là Tổng Công ty Cửu Long) đề xuất và được Chính phủ chấp thuận cho mở thầu đấu giá thu phí tuyến cao tốc này.

Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh là đơn vị trúng đấu giá quyền thu phí trong thời gian năm năm (2014-2018) với số tiền hơn 2.000 tỉ đồng. Theo hợp đồng, Tập đoàn Yên Khánh phải thanh toán số tiền trên trong ba đợt, diễn ra trước tháng 11-2014. Tuy nhiên, phải sau 15 đợt và đến ngày 31-3-2017, Tập đoàn Yên Khánh mới hoàn tất việc thanh toán.

Kể từ tháng 1-2019, do hết hợp đồng chuyển nhượng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận tuyến cao tốc và giao lại cho Cục Quản lý đường bộ IV quản lý.

Cũng trong thời điểm này, Cục Cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an) khởi tố vụ án, bắt giữ năm người là lãnh đạo và nhân viên của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh - Chi nhánh Long An.

Công an cho biết qua khám xét đã thu giữ một số tài liệu, chứng cứ điện tử xác định những người nêu trên có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật tại các trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, sau khi nhận bàn giao, Cục Quản lý đường bộ IV chưa có kế hoạch thu phí trở lại. Việc này dẫn tới các xe container và xe tải hạng nặng đã bỏ quốc lộ 1 tràn lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương để đi miễn phí.

Như vậy, nếu trừ chi phí tổ chức thu, số phí thu được của tuyến cao tốc tính đến khi dừng thu phí đạt hơn 2.000 tỉ đồng, vẫn còn hơn 6.000 tỉ đồng chưa thể hoàn vốn. Trong khi đó, Nhà nước hằng năm vẫn phải chi một khoản ngân sách lớn để trả gốc, lãi phát hành trái phiếu xây dựng công trình.

Vừa qua, Bộ GTVT có văn bản hỏa tốc đề nghị Thủ tướng xem xét, thông qua đề án thu phí trở lại đối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Tập đoàn Yên Khánh kiện công ty của Bộ GTVT

Tập đoàn Yên Khánh từng khởi kiện yêu cầu Tổng Công ty Cửu Long (thuộc Bộ GTVT) phải trả cho mình hơn 120 tỉ đồng phát sinh từ việc đóng hộ tiền thuế và hơn 850 triệu đồng thiệt hại do thi công hệ thống giao thông thông minh (ITS) ảnh hưởng đến việc thu phí.

Ngược lại, Tổng Công ty Cửu Long yêu cầu Công ty Yên Khánh phải trả 485 tỉ đồng tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ thanh toán hợp đồng cùng lãi phạt…

Vụ kiện này sau đó được TAND TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên buộc Tổng Công ty Cửu Long thanh toán cho Tập đoàn Yên Khánh gần 2,4 tỉ đồng, còn Tập đoàn Yên Khánh phải thanh toán cho Tổng Công ty Cửu Long gần 265 tỉ đồng. Sau khi bù trừ hai khoản trên, phía nguyên đơn còn phải thanh toán cho bị đơn hơn 262 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm