Cứu kênh rạch: Cần sự quyết tâm, chung tay

Không những gây tác hại đối với môi trường, ô nhiễm kênh rạch còn gây nên tác hại đối với sức khỏe con người.

25% kênh rạch bị tắc nghẽn

Theo Trung tâm Chất lượng nước và môi trường (Phân viện Quy hoạch khảo sát thủy lợi Nam Bộ), nước tại hệ thống kênh rạch tại TP.HCM đều bị ô nhiễm nặng. Các thành phần như: BOD5 (nhu cầu oxy sinh học), COD (nhu cầu oxy hóa học), chỉ tiêu vi sinh (coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng... vượt tiêu chuẩn gấp nhiều lần cho phép. Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng cho biết mỗi ngày các tuyến kênh rạch, sông ngòi trên địa bàn thành phố phải tiếp nhận khoảng 40 tấn rác sinh hoạt và 70.000 m3 nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất chưa qua xử lý, thải trực tiếp xuống hệ thống.

Sở dĩ kênh rạch bị ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, chợ; rác thải đổ bừa bãi vào kênh rạch (như bao nylon, lon hộp, rác thực phẩm, động thực vật…); chất thải (xà bần, gỗ vụn…) từ các công trình xây dựng; nước thải sản xuất từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; nước thải từ hoạt động nông nghiệp (như dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, rác vườn); dầu nhớt thải, chất thải từ ghe thuyền lưu thông trên kênh rạch.

Ô nhiễm kênh rạch sẽ làm cho nước tù đọng, gây mùi hôi khó chịu, làm mất mỹ quan đô thị, hủy hoại hệ sinh vật nước tại khu vực. Đồng thời, rác từ kênh rạch còn làm nghẹt cống thoát nước, gây ngập lụt khi triều cường, mưa. Ví dụ như gây các bệnh đường hô hấp; phát sinh và lan truyền các dịch bệnh tiêu chảy, kiết lỵ; gây dị ứng, nhiễm trùng qua da khi con người tiếp xúc. Đặc biệt, con người dễ bị ngộ độc thức ăn khi ăn phải các loại động thực vật sống trong kênh rạch bị ô nhiễm.

Cứu kênh rạch: Cần sự quyết tâm, chung tay ảnh 1

Rác là một trong những nguyên nhân gây tắc nghẽn, ô nhiễm kênh rạch tại TP.HCM. Ảnh minh họa: INTERNET

Làm gì để bảo vệ kênh rạch?   

Vì kênh rạch có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của con người, giúp tiêu thoát nước mưa, nước lũ; tưới tiêu cho nông nghiệp, cấp nước ngọt cho sinh hoạt và công nghiệp; cũng như phục vụ giao thông thủy… nên việc bảo vệ kênh rạch phải có sự quyết tâm chung tay của xã hội.

Việc bảo vệ kênh rạch phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể, như không xây nhà lấn chiếm lòng sông, kênh rạch; nuôi thủy sản trên các dòng nước mặt phải theo quy hoạch. Ngoài ra, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, không vứt chai lọ xuống kênh rạch. Chất thải từ chuồng trại chăn nuôi phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra kênh rạch. Không xả nước bẩn, vứt rác, xác động vật bừa bãi xuống lòng kênh. Không tùy tiện đấu nối hay đục phá cống thoát nước. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cố tình xả nước thải chưa qua xử lý vào kênh rạch. Rà soát lại các KCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh dùng nhiều nước, có khả năng gây ô nhiễm cao, buộc các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải và ký cam kết bảo vệ nguồn nước. Thường xuyên tuyên truyền, vận động các cộng đồng dân cư đề cao ý thức bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch, kết hợp đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, từng bước làm sạch hệ thống kênh rạch. Khẩn trương xây dựng quy chế bảo vệ môi trường rõ ràng và thành lập một bộ phận đủ mạnh, có thực quyền để xử lý các hành vi nào gây ô nhiễm, xâm hại đến kênh rạch.

Bên cạnh đó, thành phố cần phối hợp với các địa phương lân cận như Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, đặc biệt là Bình Dương, những tỉnh nằm đầu nguồn các dòng kênh cùng có trách nhiệm bảo vệ giữ gìn nguồn nước.

Điều 22, xử lý vi phạm quy định về ô nhiễm môi trường nước tại Nghị định 81/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006 ghi rõ:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi xả, thải vào môi trường nước các chất gây ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Phạt tiền từ 5 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 điều này gây ô nhiễm nước.

Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều này trong trường hợp chất gây ô nhiễm có chứa chất thải nguy hại vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép.

Phạt tiền từ 60 đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Vi phạm các quy định tại khoản 2 điều này trong trường hợp chất gây ô nhiễm có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt mức cho phép. Đưa vào nguồn nước dưới đất các loại hóa chất, chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và các tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật. Đổ chất thải trong vùng biển của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 điều này gây ra.

NHẬT LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm