Cướp giật điện thoại bất thành

Theo hồ sơ, khoảng 21giờ ngày 11-02-2010, Huỳnh Hoàng Thiên chạy xe máy chở Võ Văn Cảnh đi chơi. Trên đường đi, Cảnh rủ Thiên đi cướp giật điện thoại di động bán lấy tiền tiêu xài, Thiên đồng ý.

Không thành còn bị bắt

Lúc đi ngang qua một cửa hàng, thấy một phụ nữ đang đứng trước sân gọi điện thoại, Cảnh bảo Thiên quay xe lại. Thiên quay xe lại rồi dừng ở lề đường trước cửa hàng, vẫn nổ máy xe đứng chờ. Cảnh đi lại chỗ người phụ nữ giả vờ hỏi chuyện rồi bất ngờ giật lấy chiếc điện thoại và bỏ chạy.

Nạn nhân túm được áo Cảnh, tri hô. Cảnh giằng co, xô nạn nhân ngã rồi chạy ra chỗ Thiên đang đợi thì bị chủ cửa hàng chạy theo nắm áo kéo ngã, làm văng cả điện thoại xuống đất. Cảnh bị người dân xúm lại bắt giao công an. Thiên trốn thoát nhưng hôm sau cũng bị bắt.

Sau đó, hai thanh niên này bị khởi tố về tội cướp giật tài sản. Ngày 15-4, VKS một huyện ở Phú Yên đã truy tố cả hai về tội danh trên với tình tiết tăng nặng định khung là “hành hung để tẩu thoát” theo điểm đ khoản 2 Điều 136 BLHS (khung hình phạt tù từ ba đến 10 năm).

Cướp giật điện thoại bất thành ảnh 1

Viện: Khoản 2, tòa: Khoản 1

Cuối tháng 7 vừa qua, tại phiên xử của TAND huyện, các bị cáo đều thừa nhận đã phạm tội cướp giật tài sản nhưng không đồng ý với cáo trạng về tình tiết “hành hung để tẩu thoát”. Cảnh khai mình không cố ý hành hung nạn nhân mà chỉ xô theo phản xạ tự nhiên; còn Thiên khai chỉ chạy xe chở Cảnh chứ không hành hung ai cả. Từ đó, các bị cáo xin tòa xem xét giảm nhẹ.

Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố với lập luận: Cảnh khi bị nạn nhân nắm áo kéo lại đã dùng tay xô ngã nạn nhân rồi bỏ chạy nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản đã cướp giật. Tình tiết này rõ ràng thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát”. Thiên không có hành động hành hung nạn nhân nhưng đã thống nhất việc chiếm đoạt tài sản với Cảnh nên phải chịu trách nhiệm chung với Cảnh về tội danh và điều khoản của BLHS. Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa phạt mỗi bị cáo từ ba đến bốn năm tù.

Tuy nhiên, tòa chỉ đồng tình với quan điểm của VKS về phần bị cáo Cảnh. Riêng bị cáo Thiên, tòa nhận định: Bị cáo Thiên bị rủ rê điều khiển xe máy chở Cảnh cướp giật tài sản xong thì chở Cảnh chạy. Thiên hoàn toàn không tham gia cùng Cảnh hoặc tự mình hành hung nạn nhân hoặc ai khác nên không phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung tăng nặng này. Tức là Thiên chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản theo khoản 1 Điều 136 BLHS (khung hình phạt tù từ một đến năm năm).

Cuối cùng, Cảnh đã được tòa xử dưới khung, chỉ phạt hai năm tù sau khi xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo… Thiên cũng lãnh một năm tù.

Cá thể hóa trách nhiệm hình sự

Nhiều chuyên gia pháp lý đã đồng tình với quan điểm của tòa bởi về nguyên tắc, trong vụ án có đồng phạm như trên, tòa phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng bị cáo để quyết định hình phạt cho chính xác (Điều 53 BLHS).

Ở đây, Thiên đồng ý chở Cảnh đi cướp giật tài sản thì là đồng phạm của Cảnh với vai trò giúp sức (Điều 20 BLHS). Tuy nhiên, hành vi xô đẩy nạn nhân ngã sau đó của Cảnh là hành vi “tự phát” của riêng bị cáo này, nằm ngoài ý chí của Thiên và sự bàn bạc ban đầu của hai bị cáo. Theo khoa học pháp lý hình sự, Thiên sẽ không phải chịu trách nhiệm với phần “tự phát”, “vượt quá” này của Cảnh.

Như vậy, lập luận cho rằng chỉ cần Thiên thống nhất việc chiếm đoạt tài sản với Cảnh thì phải chịu trách nhiệm chung với Cảnh về tội danh và điều khoản của BLHS là không có căn cứ.

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó.

(Theo Điều 53 BLHS)

SÔNG BA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm