“Cưỡng bức” cầu dao vì thiếu điện

Tình trạng thiếu điện ở nông thôn Cà Mau đang “đẻ” ra hàng loạt vấn đề phức tạp và “nghề lạ” tại một số địa phương trong tỉnh: Nghề trực cầu dao, cưỡng bức các thiết bị tự động của điện lực không cho ngắt điện; nông dân hục hặc kiện thưa…

Phát sinh nghề mới!

Ba tháng nay, việc nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp nở rộ ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau) kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến nên phát sinh hàng loạt vấn đề dở khóc dở cười ở đây.

Ông Võ Minh Hùng, một người dân trong xã cười nói: “Nhờ thiếu điện nên trong xã xuất hiện một nghề mới: Nghề cưỡng bức điện. Lương cao đến 3 triệu đồng/tháng và có ba người đang làm “nghề” này”.

Hóa ra, do lượng điện tiêu thụ tăng cao, vượt tải nên bị cầu dao tự động tại các trạm hạ thế ngắt điện, những người nuôi tôm công nghiệp phân công trực kéo cầu dao mỗi khi bị ngắt. Tuy nhiên, số lần ngắt điện từ vài ba lần/ngày lên đến 30 lần/ngày nên các nông dân hùn tiền thuê người chuyên đứng trực 24/24 giờ ngay tại trạm biến áp. Công việc của người này đơn giản là canh khi cầu dao tự ngắt vì quá tải thì lập tức dùng tay kéo lên, cưỡng bức hoạt động trở lại. Trước đó, nông dân “sáng kiến” ra phương pháp cưỡng bức cầu dao, không cho cầu dao tự động ngắt điện bằng cách đổ keo dán sắt vào. Hậu quả là làm ba bình điện hạ thế nổ bùm! “Mỗi lần nổ bình phải chịu cảnh mất điện mấy ngày liền. Rút kinh nghiệm nên ấp thuê người trực đóng cầu dao cho an toàn hơn!” - ông Lê Minh Sơn, Phó Trưởng ấp Ông Khăm, nói.

Thiếu điện để sục khí nên một hộ dân ở Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước thu hoạch tôm trước tuổi. Ảnh: TV 

Theo ông Sơn, việc cho người kéo cầu dao rất nguy hiểm, là vi phạm nhưng nhu cầu về điện của nông dân cho việc nuôi tôm quá lớn nên đành làm ngơ. “Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp đang là cơ hội làm giàu rất lớn cho nông dân. Trong ấp đã có gần một chục tỉ phú đi lên từ nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Trong đó có hộ đang gửi ngân hàng trên chục tỉ đồng cũng từ cái nghề này” - ông Sơn nói.

Dân kèn cựa vì thiếu điện

Chiều tối 27-12-2013, có mặt tại ấp Ông Khăm mới thấy hết cảnh “vui nhộn” của chuyện thiếu điện tại đây. Cứ 5 đến 10 phút điện lại bị ngắt một lần. Ngắt khoảng 2 phút thì có trở lại nhờ các “công nhân cưỡng bức điện” cần mẫn làm việc.

Bà chủ nhà tên Út mang ra cây đèn cầy to bằng cổ tay, dài ngoằng ra sử dụng rồi giới thiệu luôn: “Từ khi ấp nuôi tôm công nghiệp, thiếu điện nên “đẻ” ra hàng khối chuyện lạ: Nhiều người mở tiệm chuyên bán đèn cầy khủng, đắt như tôm tươi. Mấy tiệm sửa chữa điện cũng phất lên nhờ các thiết bị điện gia dụng của bà con ở đây hư như cơm bữa. Cả xóm không ai còn được xem truyền hình”.

Ông Phạm Hoàng Minh kể tiếp: “Hai tháng trước, phe không nuôi tôm công nghiệp, tức chỉ nuôi tôm kiểu truyền thống đòi kiện vì cho rằng việc nuôi tôm làm cả xóm không còn được xem tin tức thời sự gì cả. Nhưng thưa thì thưa cả xóm, sao thắng được, nên thôi. Nhưng họ quay qua cứ chửi bóng chửi gió hoài, nhức đầu hổng chịu được!”.

Theo phó ấp Lê Minh Sơn, ấp đang có 56 hộ nuôi tôm công nghiệp với 120 đầm tôm. “Trong khi cả ấp có đến gần 300 hộ dân. Tức là số ít làm ảnh hưởng đến số đông nhưng không có cách nào ngăn được việc nuôi tôm để làm giàu chính đáng của người dân. Nhiều hộ từ hai bàn tay trắng, sau một vài vụ nuôi tôm công nghiệp đã thành tỉ phú” - phó ấp Sơn khẳng định.

 “Do người dân tự phát nuôi tôm không theo quy hoạch nên không được đầu tư đường điện ba pha. Cuộc tiếp xúc cử tri nào tại địa phương, nông dân cũng đem chuyện thiếu điện ra phản ảnh. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, do nông dân tự phát nuôi, không đúng quy hoạch nên bó tay” - ông Sơn nói.

Và tại thời điểm chúng tôi về ấp này, nông dân nơi đây vẫn phải tiếp tục thuê người cưỡng bức điện. Tuy nhiên, những người hành nghề “mới” này lại đang đòi tăng lương với lý do nguy cơ chết vì nổ bình hạ thế quá lớn!

 

Sẽ gắn thêm bình hạ thế cho nông dân

Theo ông Lâm Xuân Tuấn, Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau, tình trạng nông dân cưỡng bức điện đã và đang xảy ra ngày càng nhiều và đã có hàng chục sự cố nổ bình điện hạ thế. “Đây là việc làm vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng thực tế, khi xảy ra sự cố, chúng tôi rất khó xác định được người đã đổ keo. Còn về nhu cầu điện sử dụng vào nông nghiệp của nông dân là rất chính đáng, ngành điện chưa đáp ứng được. Bà con nên gửi đơn đến ngành điện lực để chúng tôi xem xét, đặt thêm bình hạ thế để “cứu đói điện” phần nào. Về lâu dài, tỉnh đã có quy hoạch mạng điện ba pha để bà con nuôi tôm công nghiệp tại huyện Đầm Dơi và đã thực hiện được giai đoạn 1. Cái khó là bà con nông dân tự phát nuôi tôm công nghiệp không theo quy hoạch của tỉnh” - ông Tuấn nói.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm