Cuối năm, ô nhiễm tràn vào nhà dân

Cứ đến cuối năm, khi nhiều nhà máy ở TP.HCM tăng công suất hoạt động là người dân trong khu vực lại càng khốn đốn.

Sống trong lo sợ

“Đến hẹn lại lên, cứ cuối năm là các nhà máy lại đua nhau xả khói mù trời. Nhà dân ở đây thường xuyên phải đóng cửa nhưng khí độc vẫn lọt vào, con nít đứa nào cũng ho sù sụ” - chị Ngọc Thu, nhà ở gần Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM), phản ánh với giọng mỏi mệt.

Cách nhà chị Thu khoảng 300 m, các nhà máy đang đua nhau xả khói mù mịt. Mỗi khi có gió to, những luồng khói đen mang theo mùi hóa chất, mùi kim loại xộc vào các khu dân cư lân cận khiến nhiều người thở không nổi.

“Tui quê ở An Giang, mới lên sống với thằng con trai làm công nhân ở đây có mấy tháng mà đã không chịu nổi rồi. Dân ở đây lâu dài thì bị bệnh là cái chắc” - ông Tư, ở trọ sát bên các nhà máy ô nhiễm, vừa nói vừa nhìn những cột khói đang tỏa lên đen kịt với ánh mắt lo sợ.

Cảnh tượng tương tự cũng xảy ra ở khu vực tập trung nhiều nhà máy ô nhiễm thuộc địa bàn phường Đông Hưng Thuận (quận 12) khiến người dân ở đây lâu nay sống trong nỗi lo sợ mỏi mòn. “Người già, con nít hầu như ai cũng bị viêm phổi. Không biết bao nhiêu năm rồi, dân cứ kêu suốt nhưng chưa có đơn vị nào đem máy móc xuống đo xem thử không khí trong nhà dân ô nhiễm cỡ nào. Rồi cũng chẳng ai làm rõ sống trong môi trường ô nhiễm như thế lâu dài có bị bệnh hiểm nghèo không…” - anh Văn Thuận, nhà ở phường Đông Hưng Thuận, nói với chúng tôi giọng chán ngán. Vì không chịu nổi ô nhiễm, gia đình anh Thuận đã phải bỏ trống nhà cũ, đi thuê nhà ở chỗ khác và lâu lâu mới ghé thăm nhà cũ để dọn dẹp.

Người dân bức xúc vì nhà máy gây ô nhiễm khói bụi khiến họ bị bệnh. Ảnh: TRUNG THANH

Tại khu vực gần nhà máy sản xuất phân bón của Công ty Cổ phần Vật tư tổng hợp và phân bón Hóa Sinh (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi), nhiều người dân cho biết họ cũng thường xuyên bị viêm phổi, viêm xoang. “Gần cả chục năm nay, nhà máy này thường xuyên gây ô nhiễm. Bà con ở đây rất nhiều người bị bệnh nhưng vì thấp cổ bé miệng nên đâu có ai chứng minh được mình bị bệnh là do nhà máy gây ra để yêu cầu họ bồi thường” - một người dân bức xúc.

Và khoảng trống trách nhiệm

Một cán bộ thanh tra Sở TN&MT TP.HCM cho hay sau khi có nhiều thông tin phản ánh về ô nhiễm ở Nhà máy phân bón Hóa Sinh ở huyện Củ Chi, trong tháng 10 và 11-2014, đơn vị này đã kiểm tra và xác định nhà máy có nhiều vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường. “Khí thải của Nhà máy phân bón Hóa Sinh có chất NH3 (amoniac) và chất CO vượt quy chuẩn cho phép với lưu lượng xả thải lên đến 12.400 m3/giờ” - Sở TN&MT cho biết trong báo cáo trình UBND TP vào cuối tháng 12-2014.

Thanh tra Sở TN&MT cho biết thêm, ngoài nhà máy phân bón ở Củ Chi, đơn vị này cũng đã kiểm tra, xử phạt nhiều nhà máy ô nhiễm ở Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân cũng như khu vực phường Đông Hưng Thuận. Tuy nhiên, thanh tra Sở chưa kiểm soát ô nhiễm trong nhà dân tại các khu vực nói trên.

“Lâu nay lực lượng thanh tra môi trường chỉ xác định ô nhiễm ở nhà máy sản xuất để tiến hành xử phạt. Còn ô nhiễm trong nhà dân ở khu vực xung quanh nhà máy đúng là chưa có quy định giao trách nhiệm cụ thể cho đơn vị nào. Thường khi có nơi nào bị ô nhiễm nghiêm trọng, người dân bị bệnh hiểm nghèo thì UBND tỉnh, thành mới chỉ đạo Sở Y tế vào cuộc” - một cán bộ của Tổng cục Môi trường cho biết.

GS-TS Lê Huy Bá, chuyên gia về lĩnh vực môi trường, cho rằng việc không có đơn vị chịu trách nhiệm xác định ô nhiễm trong nhà dân là khoảng trống trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước. “Lâu nay cơ quan môi trường chỉ đánh giá mức độ ô nhiễm ở nhà máy và môi trường bên ngoài nói chung và dựa vào đó để xử phạt cơ sở gây ô nhiễm. Còn cơ quan y tế chỉ vào cuộc khi nào có nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo. Trong khi đó, bệnh tật do ô nhiễm là dạng tích tụ lâu dài. Nếu chúng ta không kiểm tra xác định mức độ ô nhiễm trong nhà dân, nhất là ở những nơi gần nhà máy ô nhiễm để đưa ra phương án ngăn ngừa, để đến khi người dân đổ bệnh mới kiểm tra thì đã muộn” - GS-TS Lê Huy Bá nhấn mạnh.

Nghiên cứu ô nhiễm trong nhà dân

Theo GS-TS Lê Huy Bá, hiện có ba trường ĐH của Bỉ đang kết hợp với một số trường ĐH tại TP.HCM thực hiện đề tài nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm trong nhà dân trên địa bàn TP.HCM. Đề tài nghiên cứu này dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2015. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị có thể đặt các máy đo - quan trắc môi trường trong nhà dân ở những nơi gần các nhà máy ô nhiễm để xác định mức độ nguy hại, từ đó đưa ra các cảnh báo cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm