Cuộc giải cứu thành công: Căng thẳng đến phút cuối

Đến 23 giờ tối 19-12, BS Nguyễn Bá Hy, Giám đốc BV Đa khoa Lâm Đồng, cho biết sức khỏe của 11 trong 12 nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo đã ổn định và đang được tiếp tục chăm sóc. Riêng chị Đặng Thị Hồng Ngọc (25 tuổi, quê Nghệ An, nạn nhân nữ duy nhất) hiện đang nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu do sức khỏe yếu, bị sốc.

Phép màu đến sớm

Lúc 16 giờ 20 ngày 19-12, khi Đại úy Lê Văn Quỳnh, Đại đội trưởng Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 92 (Bộ Tư lệnh Công binh), từ trong hầm chạy ra báo tin “Đã cứu được anh em công nhân”, hàng ngàn người có mặt trước cửa hầm cùng vỡ òa trong niềm vui sướng. Bên trong hầm, những người lính công binh vừa cõng các nạn nhân vừa hét lên vì vui. Liền đó, cả 12 nạn nhân nhanh chóng được các lực lượng cứu hộ đưa ra, một số người được đưa bằng cáng, còn lại được lực lượng cứu hộ dìu đi, tất cả đều được làm ấm tại chỗ rồi đưa thẳng đến các lán trại sơ cứu khẩn cấp. Nhiều người vừa khiêng, dìu các nạn nhân vừa khóc vì vui mừng. Một hình ảnh xúc động là nạn nhân Hà Văn Chung vừa được đưa ra khỏi hầm đã tự đi, nhìn mọi người nhoẻn miệng cười hồn nhiên nhưng ánh mắt vẫn còn ngơ ngác như không tin mình đã được cứu sống. Lúc này, mọi ánh mắt đều hướng vào các nạn nhân trong niềm hân hoan nhưng vẫn còn lo lắng. Khi BS Phạm Bá Hy, Giám đốc BV Đa khoa Lâm Đồng, thông báo sức khỏe của phần lớn nạn nhân đều ổn, mọi người nhảy vào ôm chầm lấy nhau, bắt tay nhau bởi phép màu mà mọi người trông chờ mấy ngày qua đã thực sự đến. Một góc núi rừng Lạc Dương như bừng lên sự sống.

Hội ý bàn phương án cứu nạn. Ảnh: X.NGỌC

Ngay khi giải cứu các công nhân, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, thốt lên: “Vô cùng tuyệt vời! Không gì vui mừng bằng! Xin cám ơn tất cả mọi người, xin cám ơn các lực lượng cứu hộ!”. Có lẽ niềm vui của mọi người càng nhân lên bởi chỉ hơn một tiếng đồng hồ trước đó ban chỉ huy cứu nạn còn dè dặt dự báo phải đến sáng 20-12 mới có thể đưa được các nạn nhân ra ngoài…

Chạy đua với thời gian

Trước đó, lúc 14 giờ ngày 19-12, khi mũi khoan phía hạ lưu đường hầm thủy điện được khoan thông, nước bên trong khu vực các nạn nhân mắc kẹt đã rút hết ra ngoài, các nạn nhân có thể đi bộ và bên ngoài đã nghe tiếng nói chuyện của họ. Từ lúc đó, một cuộc chạy đua với thời gian bắt đầu diễn ra để cứu các nạn nhân.

Theo Đại tá Phạm Văn Tỵ, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, lúc đầu ngách hầm bên phải do Tập đoàn Than - Khoáng sản đào là hy vọng lớn nhất để có thể sớm tiếp cận các nạn nhân. Khi ngách hầm này đào được 20 m, mọi người bắt đầu tính bằng giờ để chờ đợi thời điểm đào hết đoạn hầm bị sập gần 30 m. Để đẩy nhanh tiến độ, lần đầu tiên lực lượng cứu hộ đã quyết định cho nổ mìn phá đá. Lúc này, lực lượng công binh cũng đang đào ngách hầm bên trái với tinh thần hết sức khẩn trương. Theo Trung tá Ninh Quang Mạnh, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh công trình 293 thuộc Binh chủng Công binh, người trực tiếp chỉ huy việc đào ngách hầm bên trái, lúc đầu việc đào ngách hầm này hết sức khó khăn do địa chất phức tạp, đất đá liên tục sạt lở. Có lẽ chính vì thế mà ít người hy vọng ngách hầm này sẽ dẫn đến vị trí các nạn nhân. “Bằng kinh nghiệm từ nhiều lần thi công các công trình phức tạp cũng như cứu hộ cộng với sử dụng thiết bị hiện đại, chúng tôi đã đẩy nhanh tiến độ đến không ngờ. Khi gặp đất đá có nguy cơ sạt lở, chúng tôi kịp thời có giải pháp khắc phục nên việc đào hầm càng về sau càng thuận lợi. Khi xác định được vị trí các nạn nhân đang tránh trú trong hầm, chúng tôi quyết định đào ngách xuyên qua và đã thành công” - Trung tá Mạnh cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm