Cùng nhau xây dựng TP.HCM văn hóa, văn minh

Năm 2020, TP.HCM chọn chủ đề là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Để thực hiện nội dung này, mỗi người dân cũng như cán bộ TP phải ý thức sâu sắc rằng việc xây dựng văn hóa, văn minh chính là sức mạnh để thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM. Từ đó, TP.HCM mới thực sự trở thành đô thị có chiều sâu văn hóa, văn minh, xứng đáng là một TP đáng sống.

Bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu

Để xây dựng một TP văn minh, văn hóa thì việc làm cho TP sạch, không ô nhiễm là một trong những tiêu chí rất quan trọng.

Theo TS Trương Hoài Phương, thành viên Ban Nghiên cứu sản phẩm du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM, một TP văn hóa, văn minh thì đầu tiên là TP đó phải xanh, sạch, đẹp trong mắt người dân và du khách.

“Do đó, TP cần những giải pháp hữu hiệu trong vệ sinh môi trường, thu gom rác thải và xây dựng thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải trong người dân” - TS Phương lưu ý.

Theo TS Phương, năm 2019, TP.HCM đã tích cực cải thiện môi trường sống, giảm lượng rác thải ra. Tuy nhiên, trong các dịp lễ hội thì tình trạng rác thải ứ đọng trên đường phố vẫn còn, đây là điểm trừ về hình ảnh con người và TP.HCM trong mắt du khách gần xa. Đây là điều cần phải tích cực khắc phục trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để quảng bá những nét văn hóa về con người và vùng đất TP.HCM thì cần tạo ra một môi trường tham quan, du lịch tốt đẹp.

“Phải có biện pháp dứt khoát làm sao để TP.HCM không còn tình trạng “chặt chém”, hét giá khách du lịch. Đồng thời, nâng cao các dịch vụ du lịch cộng đồng giá rẻ để mọi người đều có cơ hội tìm đến và có trải nghiệm tốt đẹp về văn hóa TP.HCM” - TS Phương góp ý.

Theo ông Trương Trung Trực (quận Tân Phú, TP.HCM), năm 2019 bộ mặt đô thị của TP đã có chuyển biến bước đầu kể từ sau cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch theo Chỉ thị 19.

“Ở nhiều tuyến đường, rác vẫn còn nhiều đến nỗi tôi không thể hiểu ở TP lớn mà tại sao người dân lại thiếu ý thức đến vậy. Vì vậy năm nay, TP cần duy trì thực hiện tiếp Chỉ thị 19 thì mới mong có một TP văn hóa, văn minh được” - ông Trực nói.

Đường sách TP.HCM là một trong những điểm văn hóa, văn minh được nhiều người dân đến tham quan.  Ảnh: HTD

Văn minh đô thị bắt đầu từ chuyện đi lại

“Muốn có nếp sống văn minh đô thị, trước tiên chúng ta phải xây dựng cho được văn hóa giao thông”. GS-TSKH Lê Huy Bá, Khoa môi trường và biến đổi khí hậu, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đã nhấn mạnh như thế.

Tại sao TP của chúng ta hay kẹt xe, tại sao không khí, khói bụi ô nhiễm ở ngoài đường nhiều như vậy? “Câu trả lời là bởi văn minh đô thị của chúng ta chưa được triển khai, chưa được quan tâm thấu đáo. Hiện nay, trên đường phố vẫn còn tồn tại những tình trạng như phóng nhanh, vượt ẩu, chạy xe trên lề đường và vẫn còn những chiếc xe độ pô, rồ ga xả khói ngập đường của những thanh niên thiếu văn minh” - GS-TSKH Lê Huy Bá nói.

Theo ông Bá, người dân phải thay đổi ý thức ngay khi tham gia giao thông và đi bằng phương tiện gì cũng phải thể hiện sự văn minh, lịch sự. Người đi bộ thì đi đúng đường, nếu lề đường bị chiếm dụng thì phải đi phía bên phải, không được đi giữa đường. Đi bộ qua đường cũng phải theo tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ. Người đi xe máy phải tuân theo quy định của xe máy, ô tô phải đi đúng làn đường ô tô… Ngoài ra, văn minh đô thị cũng được thể hiện rõ rệt từ chuyện không uống rượu, bia khi lái xe.

“Riêng với các cơ quan chức năng cũng phải có nhiệm vụ giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành giao thông đối với người dân. Có kỹ năng huấn luyện, tuyên truyền cho người dân tự giác chấp hành các quy định, kỹ năng khi tham gia giao thông. Ngoài ra, đối với đơn vị thi công các công trình làm đường, cầu cống cũng phải làm thế nào để đảm bảo được an toàn cho mọi người, không để xảy ra tình trạng té ngã, gây tai nạn đây cũng là sự văn minh đô thị” - GS-TSKH Lê Huy Bá nêu quan điểm.

Theo ông Bá, một khi đã gọi là quy định chung thì ai cũng phải chấp hành và những người thực thi pháp luật càng phải chấp hành gương mẫu hơn. Những người thi hành công vụ phải có phép lịch sự, phải giúp đỡ người chưa hiểu, giáo dục họ, giúp họ hiểu ra cái sai chứ không phải phạt tiền cưa đôi.

Ngoài ra, trước khi kiểm tra, phạt người dân thì những người thực thi pháp luật phải chào hiệu lệnh, hiện giờ thì có người thực hiện, có người chưa thực hiện. Đó là chưa nói trong quá trình trao đổi với người dân lại có những cán bộ, chiến sĩ nói tục và tỏ ra bực bội vì phải kiềm chế. Những người thi hành nhiệm vụ phải luôn nghĩ rằng mình là những người có văn minh và phải thực hiện một nếp sống văn minh đô thị.

Cùng nhau xây dựng TP.HCM văn hóa, văn minh ảnh 2
 

Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN THIỆN NHÂN (phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 ngày 6-1-2020):

Khơi dậy sức mạnh văn hóa, sức mạnh con người

hát huy sức mạnh con người để phát triển kinh tế tốt hơn.

Do đó, năm 2020, TP sẽ đẩy mạnh thực hiện các hoạt động văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh đô thị, đồng thời tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong những năm tiếp theo.

TS NGUYỄN THÀNH NHÂNGiám đốc Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Thái Bình Dương:

Tạo ra sự gắn kết, tôn trọng giá trị cộng đồng

Cùng nhau xây dựng TP.HCM văn hóa, văn minh ảnh 3
 

Làm thế nào để thể hiện sự văn minh, điều đầu tiên mà tôi quan tâm đó là xây dựng tình làng nghĩa xóm để gắn kết cộng đồng, bởi thiếu đi tình nghĩa nên người ta chỉ biết nghĩ và sống cho bản thân mình. Đơn cử của vấn đề này là không ít người dân vẫn còn đem rác của mình để trước nhà người khác và mặc kệ họ bị ảnh hưởng ra sao. Có lẽ chính từ sự vô cảm đó mà môi trường, mảng xanh của TP đang xấu dần.

Vì thế, mỗi người dân phải cùng nhau xây dựng lại tình làng nghĩa xóm bởi việc này không phải một việc làm hình thức mà nó mang tính căn cơ. Theo đó, TP cần tổ chức các sinh hoạt văn hóa ở khu phố mà trong đó có trẻ con, người lớn cùng tham gia để gắn kết mọi người lại hơn.

Theo tôi, muốn thay đổi ý thức của người dân thì phải thay đổi bắt nguồn từ ý thức ở trẻ con. Chúng ta cần tạo môi trường học đường tốt để từ những bài giảng mang lại nhiều câu chuyện về tình làng nghĩa xóm giúp các em có nhận thức và nâng cao ý thức cộng đồng hơn.

Còn với người lớn phải tăng cường các biện pháp khác nhau để thay đổi ý thức của họ. Ví dụ như Nghị định 100 về phạt hành chính liên quan đến rượu, bia phải quyết liệt như thế mới thay đổi ý thức người dân được.

QUÁCH THUYÊN NHÃ UYÊNnghiên cứu sinh chuyên ngành Nhân học:

Người trẻ hãy đọc sách

Cùng nhau xây dựng TP.HCM văn hóa, văn minh ảnh 4
 

Đường sách ở TP.HCM là một địa chỉ văn hóa thân quen được rất nhiều bạn bè trong nước, quốc tế nhắc đến và tham quan khi đặt chân đến Sài Gòn. Có thể nói đường sách của TP đã truyền cảm hứng rất lớn cho văn hóa đọc của người dân TP, nhất là trong giới trẻ. Theo tôi, những bạn trẻ chọn Sài Gòn để học, trưởng thành…, suy cho cùng muốn trở thành con người văn hóa thì bản thân những người trẻ - những người tạo nên và đón đầu xu thế ngày nay cần phải có vốn tri thức, hiểu biết đầy đủ.

Vốn tri thức này có thể được tích góp từ việc đọc sách, một xu hướng hay và ý nghĩa mà bản thân tôi nhận thấy đã có những ảnh hưởng tích cực trong đời sống của giới trẻ Sài Gòn những năm gần đây. Ngoài ra, vốn hiểu biết còn có thể được học từ các loại hình văn hóa nghệ thuật đa dạng, đặc sắc từ truyền thống đến hiện đại mà các bạn đang được tiếp xúc và thụ hưởng mỗi ngày.

TÁ LÂM - NGUYỄN  HIỀN - QUỲNH TRANG  ghi

Người dân hãy chung lòng xây dựng TP sạch

Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho rằng để TP.HCM là TP văn minh thì cần phải có sự hợp tác, chung lòng của tất cả người dân. Cụ thể, người dân phải nói không với việc xả rác ra đường. Những hành động nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định cũng đã góp phần làm cho TP văn minh hơn.

“TP.HCM với lượng lớn người dân từ những địa phương khác đến sinh sống và làm việc thì rất mong người dân có ý thức hơn” - ông Phúc nói.

ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nhận định số lượng người từ các địa phương khác về TP.HCM sinh sống là một trong những áp lực lớn đối với công tác quản lý của TP.

Cụ thể là vẫn còn một bộ phận người dân kinh doanh, buôn bán, chưa có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, làm cho tình hình ô nhiễm ngày càng gia tăng. Trong khi đó, nguồn nhân lực cho công tác quản lý môi trường tại địa phương còn chưa đáp ứng để triển khai đồng loạt các giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.

“Muốn trở thành TP văn hóa, văn minh thì mỗi cá nhân phải đồng lòng thực hiện, một hành động nhỏ của mỗi người dân là không xả rác cũng đã góp phần làm cho TP trở nên sạch, đẹp hơn” - ông Thắng nói.

Phân tích sâu hơn, giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho rằng để xây dựng TP.HCM ngày càng văn minh thì trước hết phải có con người văn minh. Muốn vậy, mỗi công dân TP cần có các phẩm chất sau: Tự giác, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị, đặc biệt là môi trường nơi công cộng, không thải bỏ rác bừa bãi ra đường phố và kênh rạch.

“Ngoài ra, các hộ dân sinh sống, kinh doanh ở mặt tiền đường cần phải tự giác dọn dẹp vệ sinh môi trường, trang trí cây cảnh, tạo mảng xanh và giữ gìn vỉa hè, lề đường thông thoáng. Cùng đó là chấp hành nghiêm quy định cấm uống rượu, bia khi lái xe; không tham gia cờ bạc, cá độ và các tệ nạn xã hội khác. Bên cạnh đó, người dân cũng không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, đồ mã, hạn chế đốt nhang, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết” - ông Thắng nói.

Chín nhóm nhiệm vụ giải pháp

Năm 2020, TP.HCM xác định chủ đề là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, trong đó tập trung triển khai thực hiện chín nhóm nhiệm vụ giải pháp gồm:

- Công bố danh mục các sự kiện văn hóa hằng năm của TP;

- Tổ chức đối thoại văn hóa; các hội thảo về phát triển văn hóa;

- Tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế hò dô lần thứ hai;

- Nâng chất Lễ hội áo dài lần thứ bảy;

- Triển khai xây dựng các công trình văn hóa: Nhà hát nhạc giao hưởng và vũ kịch, rạp xiếc, trung tâm biểu diễn văn hóa đa năng, nhà hát nghệ thuật truyền thống…;

- Xây dựng, đầu tư và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa của TP, nâng cao hiệu quả hoạt động các bảo tàng. Trùng tu, tôn tạo các di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị của TP, đặc biệt là địa đạo Củ Chi nhằm phục vụ công tác đề nghị công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới;

- Hoàn thành và triển khai thực hiện đề án công nghiệp văn hóa;

- Nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc.

Phát triển văn hóa đọc, nâng cao hiệu quả hoạt động các thư viện, đường sách.

- Nghiên cứu chọn và tổ chức Ngày hội TP.HCM (có thể lấy ngày 2-7, vì đây là ngày TP chính thức mang tên Bác 2-7-1976);

Xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; thực hiện các chính sách phát triển tài năng, có cơ chế đặc thù riêng thu hút nhân tài, tạo động lực phát triển văn hóa, nghệ thuật, thể thao.

Phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về TP.HCM chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2020) và chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI,…  LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm