Cục Kiểm lâm lý giải việc không sử dụng máy bay chữa cháy rừng

Trả lời PLO, ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN-PTNT) cho biết thông tin trên.

Chỉ trong ba ngày, từ ngày 28 đến 30-6, hàng trăm hecta rừng thông tại núi Hồng Lĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã bị lửa thiêu cháy. Hai người đã tử vong khi nỗ lực cứu rừng, hơn 15.000 người được huy động tham gia chữa cháy rừng. Đến chiều tối 30-6, ngọn lửa mới cơ bản được khống chế.

Hơn 15.000 người tham gia dập cháy rừng ở Hà Tĩnh, Nghệ An. Ảnh: Đ.LAM

. Phóng viên: Diễn biến các vụ cháy rừng tại miền Trung như thế nào rồi, thưa ông?

+ Ông Đỗ Quang Tùng: Hiện hầu hết các vụ cháy đã được khống chế. Nguy cơ cháy trở lại tương đối thấp vì thời tiết đã dịu mát hơn, nhiệt độ xuống thấp, dự báo khả năng có mưa trong những ngày tới.

.Ông đánh giá thế nào về tình hình cháy rừng từ đầu năm đến nay?

+ Tình hình thời tiết năm nay tương đối đặc biệt với tình trạng khô hạn kéo dài, không chỉ gây ra các vụ cháy rừng mà còn ảnh hưởng tới toàn ngành nông nghiệp. Các năm, ở khu vực miền Trung, tính trung bình cao điểm chỉ 20 ngày là có mưa, nhưng đợt này có những nơi trên 30 ngày không có mưa, gần giáp với kỷ lục của năm 2008 với 39 ngày không có mưa.

Bên cạnh đó, gió tây nam và gió Lào thổi rất mạnh, nhiệt độ cao liên tục trong những ngày vừa qua khiến thời tiết trở lên vô cùng khắc nghiệt và nguy hiểm cho cả nền nông nghiệp nói chung, trong đó có cháy rừng.

.Ngoài vấn đề thời tiết, còn có nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng cháy rừng, thưa ông?

Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do con người, có thể do bất cẩn, chủ quan hoặc do cố ý. Ở khu vực miền Trung, người dân có nghề đi đốt ong, hoặc việc đặt nghĩa trang ở gần rừng, người dân đốt vàng mã cũng gây ra cháy rừng.

Ở khu vực từ Quảng Bình trở vào vẫn còn sót lại những hậu quả của chiến tranh như đạn lân tinh, đạn này sẽ phát nổ khi có tác động nhiệt và gây ra cháy...

.Vậy giải pháp nào được đưa ra trong công tác phòng, chữa cháy rừng?

+Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay bắt buộc phải thực hiện chế độ trực, canh phòng lửa 24/24 giờ. Khi phát hiện lửa sớm thì công tác chữa cháy sẽ kịp thời và nhanh hơn, nếu phát hiện muộn để lửa lan rộng sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác chữa cháy.

Thứ hai là thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tại thôn bản. Công tác này yêu cầu phải kiên trì, thường xuyên, từ tuyên truyền tới khuyến cáo người dân trong việc sử dụng lửa cũng như thực hiện các hoạt động có liên quan tới lửa.

Nhiều xe cứu hỏa đến tiếp nước chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh, Nghệ An. Ảnh: Đ.LAM

Mọi năm người dân có thể đốt đồng cách rừng 100 m thì không sao, nhưng hiện tại dù đốt lửa cách cả cây số nhưng nếu gặp gió thì vẫn có thể gây ra cháy rừng dù ở rất xa.

Sau khi xảy ra cháy, công tác chữa cháy ưu tiên đầu tiên là ngăn chặn khống chế không cho lửa để lan vào các khu dân cư, tài sản công trình công cộng, đặc biệt là các công trình là tài sản quốc gia như đường tải điện, hoặc các kho xăng dầu...

.Qúa trình chữa cháy rừng gặp những khó khăn gì, thưa ông?

+ Hiện công tác chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn. Vì cháy rừng thường xảy ra ở khu vực đồi núi, nên việc tiếp cận để chữa cháy rừng cũng rất khó. Tiếp nữa khu vực này thường không gần nguồn nước và việc vận chuyển các trang thiết bị lên chữa cháy gian nan, việc chữa cháy còn luôn thường trực nguy hiểm.

.Tại sao trong đợt chữa cháy rừng vừa rồi ở núi Hồng Lĩnh, chúng ta không sử dụng trực thăng để đám cháy được khống chế nhanh hơn, thưa ông?

+ Công tác chữa cháy rừng của nước ta khó có thể sử dụng được máy bay trực thăng. Vì gió Lào thổi mạnh cộng với địa hình đồi núi nên việc sử dụng máy bay sẽ rất nguy hiểm và không hiệu quả. Biện pháp hữu hiệu nhất là thực hiện phương châm bốn tại chỗ cùng với các trang thiết bị cần thiết thì sẽ dập tắt đám cháy nhanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm