Cứ ‘xé rào’ miễn người dân được lợi

Ngày 21-7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình dẫn đầu đoàn công tác đã đến làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng.

Thấy cần là “xé rào”

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép TP Đà Nẵng thành lập Sở Du lịch vì hiện thời cơ đã chín muồi.

Bên cạnh đó, ngày 2-9 tới đây TP sẽ chuyển đổi Bệnh viện Ung bướu thành bệnh viện công. Đây là đơn vị được nhà nước đầu tư trên 1.100 tỷ đồng nhưng lại giao cho một Công ty TNHH MTV quản lý. Vì vậy, thời gian qua bệnh viện này hết sức khó khăn, sắp “chết”. UBND TP đã báo cáo với Bộ Y tế. Tuy nhiên, kiện nghị Bộ Nội vụ quan tâm giao 770 chỉ tiêu việc làm để duy trì, phát triển bệnh viện.

Ông Trần Thọ (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) cho hay, TP đã mạnh dạn “xé rào” giải tán các ban chỉ đạo không cần thiết. LÊ PHI

Cũng theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thời gian TP đã mạnh dạn “xé rào” trong cải cách hành chính (CCHC). Trung ương quy định 7-8 thủ tục thì TP lược bớt chỉ giữ lại 3-4 thủ tục. Trong đó TP xác định, vấn đề đạo đức công vụ là cái quyết định. “Anh có cải cách trời đi nữa mà cái tâm của anh cán bộ không tốt, để dấu ấn không tốt cho người dân thì cũng thất bại”, ông Thọ nói.

Theo ông Trần Thọ, điểm nhấn nữa của TP là mở rộng diện bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển. Vệc thi tuyển này Đà Nẵng đã làm sớm, làm từ hành chính đến sự nghiệp, từ cấp phó đến cấp trưởng và thậm chí cả người đứng đầu của sở. Qua thi tuyển cạnh tranh lành mạnh để chọn ra được người tài bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo.

“Vừa rồi tôi có đọc rất kỹ kết luận của Bộ Chính trị. Theo Bộ Chính trị thì từ nay trở đi sẽ không thực hiện đề án thi tuyển của các địa phương nữa. Vừa rồi chúng tôi cũng tranh thủ làm (thi tuyển-PV) Giám đốc Sở Xây dựng nhưng trên quan điểm cứng mà Bộ Chính trị đã ban hành. Cái này giúp cho Ban Thường vụ Thành ủy lựa chọn cán bộ, theo đúng quy trình công tác cán bộ của Bộ Chính trị. Nhưng tôi cho rằng, thi tuyển bổ nhiệm cán bộ từ đơn vị sự nghiệp cấp sở, cấp quận, đặc biệt là trong ngành giáo dục là rất tốt”, ông Thọ cho biết thêm.

Ông Thọ cũng cho hay, một việc mà TP đã mạnh dạn “xé rào” mong Bộ Nội vụ thông cảm cho là: Giải thể một loạt các ban chỉ đạo. Vừa rồi mạnh dạn đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, TP đã giải thể gần 80 ban chỉ đạo kể cả bên Đảng. Thậm chí, có những ban chỉ đạo nghe tên tuổi thì ghê gớm lắm. Nhưng giải thể xong xuôi rồi thì bớt được hội họp, bớt kinh phí, bớt được nhân sự và bớt được trách nhiệm chung chung để tăng cường trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. UBND TP Đà Nẵng đã quyết liệt giải thể các ban chỉ đạo này.

“Tôi còn nói đùa với anh em là tôi lập thêm một ban chỉ đạo nữa chỉ để giải thể bớt các ban chỉ đạo đi. Tôi cho rằng việc giải thể các ban chỉ đạo không cần thiết này cũng là CCHC”, ông Thọ nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cho rằng, Bộ Nội vụ và trung ương nên thương Đà Nẵng một chút. Vì TP đã bỏ ra sáu năm trời để làm CCHC không có HĐND nhưng bây giờ quay lại cái cũ là tốn không biết bao nhiêu công sức. “Bây giờ để gỡ bớt thiệt thòi cho TP trong sáu năm vừa qua, xin trung ương cho phép TP thành lập hai quận trên cơ sở tách huyện Hòa Vang”, ông Thọ nói.

Đặc biệt, ông Thọ đề nghị Bộ Nội vụ nhanh chóng nghiên cứu giúp TP để sang năm tới tổ chức bầu cử cho huyện Hoàng Sa. “Vừa rồi may mắn là Đà Nẵng được thí điểm không có HĐND nên Chủ tịch TP bổ nhiệm Chủ tịch huyện Hoàng Sa là hợp pháp. Nhưng tới đây không còn thí điểm nữa thì anh muốn làm Chủ tịch huyện Hoàng Sa là phải do HĐND bầu ra. Giờ huyện Hoàng Sa không có thôn xóm, xã phường, không có HĐND thì lấy ai bầu. Vì vậy cần nghiên cứu ghép thôn xóm, xã phường nào đó vào huyện đảo Hoàng Sa để tới đây còn tổ chức bầu Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa. Việc này cần phải làm sớm”, ông Thọ kiến nghị.

Miệng nói tay làm

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, rất ủng hộ cách làm mạnh mẽ của TP Đà Nẵng. Đặc biệt, là một số cách làm rất táo bạo tạo dấu ấn mạnh mẽ trong CCHC thời gian qua. Bộ trưởng Bình, nói: “CCHC phải là miệng nói tay làm và chân đi. CCHC là không được phép chậm chạp, cái gì có lợi cho dân và doanh nghiệp là làm ngay”.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. LÊ PHI

Theo Bộ trưởng Bình, cách làm đầy sáng tạo của Đà Nẵng là để người dân chấm điểm CBCCVC là quá đúng. Bên cạnh đó, sở ban ngành nào để nhân viên của mình giải quyết hồ sơ chậm trễ thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm, xin lỗi dân là một cách làm rất hay. “Cách làm, sự phát triển của Đà Nẵng là thay đổi từng giờ từng phút chứ không còn phải là từng ngày từng tháng nữa. Điều này khiến tôi rất ấn tượng”, Bộ trưởng Bình cho hay.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ động viên Đà Nẵng giảm bớt được thủ tục nào là tốt cái đó. Chứ không nhất thiết phải giảm theo chỉ đạo của trung ương. Những việc này là để tạo thuận lợi cho dân và công khai, minh bạch và dân chủ hơn. Thậm chí, phải giảm tối đa thời gian xử lý hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp.

Về các đề xuất của TP, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết sẽ tiếp thu và báo cáo với Chính phủ xin ý kiến.

Liên quan đến vấn đề Hoàng Sa, Bộ trưởng Bình cho rằng vừa rồi Quốc hội ra Luật về tổ chức chính quyền địa phương cứng quá nên phải thực hiện nghiêm theo luật. Bộ sẽ nghiên cứu báo cáo Chính phủ, chứ trong tình hình bối cảnh biển Đông hiện nay chúng ta cần phải khẳng định chủ quyền Hoàng Sa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp.

“Trong đó có cả việc giao đất, khu vực dân cư trên đất liền để xây dựng chính quyền và UBND huyện Hoàng Sa. Cái này anh Chánh (Võ Công Chánh-Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa) liên hệ với Vụ Chính quyền địa phương để chúng tôi tập trung giải quyết”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.

Nhà nhà có công, người người có công

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho hay trung ương xác định từ nay đến năm 2021 biên chế hành chính phải giảm tối thiểu cho được 70% và giảm cho bằng được 10% biên chế sự nghiệp công lập để chuyển qua xã hội hóa giảm gánh nặng tiền lương cho ngân sách. Theo Bộ trưởng, trung ương cũng rất băn khoăn trong việc cải cách tiền lương cho CBCCVC. Nhưng nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên có thể nói là nhà nhà, người người đều có công nên không thể chỉ cải cách tiền lượng cho mỗi CBCCVC. Trong khi đó cả nước hiện tại có tới 8 triệu người hưởng trợ cấp, phụ cấp của nhà nước nên vấn đề cải cách tiền lương là một bài toán khó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm