Cử tri TP.HCM bức xúc chuyện lãng phí nhà, đất

Sáng 18-6, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cùng Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) số 1 (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1 sau kỳ họp thứ 7 QH khóa XIV.

Không “để dở dang” các vụ tham nhũng

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thế Định (phường Tân Định) cho rằng vụ việc một số thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ tại tỉnh Vĩnh Phúc là rất đáng lo ngại trong bối cảnh  vị trưởng đoàn thanh tra này vừa được bổ nhiệm chức phó trưởng Phòng phòng, chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, cử tri phường Cô Giang, đề nghị các ĐBQH cần tăng cường giám sát chặt chẽ công tác cán bộ ở tất cả bộ/ngành, địa phương để chống tham nhũng. Cử tri Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé) đề nghị chống tham nhũng ngay trong chính cơ quan chống tham nhũng, phải giám sát chặt hơn nữa và phải giám sát kê khai tài sản cán bộ một cách hiệu quả.

Trả lời cử tri, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cho rằng chưa bao giờ, chưa nhiệm kỳ nào mà công tác chống tham nhũng được đặt ra quyết liệt và đạt được nhiều kết quả như vậy. Hiện nay, các cơ quan Đảng và Nhà nước đều có những quy định cụ thể, chặt chẽ trong phòng, chống tham nhũng.

Riêng ở TP.HCM, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã ban hành Quy định 1374 để tiếp nhận và xử lý nghiêm túc tất cả nguồn phản ánh người dân gửi đến. Đây là quy định về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Theo ông Quang, từ khi có quy định này, Thành ủy đã phát hiện và xử lý rất nhiều người tham nhũng. Do vậy đã góp phần tích cực trong công cuộc phòng, chống tham nhũng trên cả nước. “Vừa qua có những việc còn dở dang, chưa kết thúc nên bà con bức xúc. Tuy nhiên, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phải quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong công cuộc phòng, chống tham nhũng” - ông Quang nói và cho biết sắp hết nhiệm kỳ, chúng ta càng phải đẩy mạnh chống tham nhũng để người dân có niềm tin trong nhiệm kỳ đại hội tới và chọn ra những cán bộ thực sự có tài và đức.

Ông Trần Lưu Quang tiếp xúc cử tri quận 1 sáng 18-6.

Chúng ta đang lãng phí nguồn lực nhà, đất

Cũng tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri kiến nghị QH cần giám sát mạnh việc quản lý và sử dụng đất đai để tránh gây lãng phí. Theo các cử tri, nhiều cơ quan, tổ chức được giao quản lý các khu đất, nhà, trụ sở văn phòng nhưng không sử dụng mà đem cho thuê lại, gây lãng phí cho Nhà nước trong khi TP thiếu đất để xây trường học, phát triển giao thông...

“Đất đai là tài nguyên vô giá nhưng đến nay việc quản lý, sử dụng vẫn rất lãng phí. Tôi đề nghị QH cần giám sát sâu hơn để công khai, minh bạch những sai phạm cũng như kết quả xử lý việc lãng phí đó” - cử tri Lê Minh Số đề nghị.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Lưu Quang cho rằng đất đai là một vấn đề rất lớn, rất nhạy cảm. Theo ông, chúng ta đang lãng phí rất lớn nguồn lực nhà, đất. Một số dự án vì lý do này khác mà đang nằm yên, bất động, trùm mền để đó. Còn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì có sự quản lý chưa hiệu quả.

Cũng theo ông Quang, hiện nay giá đất ở đô thị, đặc biệt ở quận 1 tăng lên từng ngày nên phát sinh những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng, phát sinh những xung đột giữa các cá nhân và trong xã hội... “Ví dụ như anh em trong gia đình ngày xưa không có chuyện gì nhưng khi đất đai có giá lại hục hặc. Đất công, nhà công nay có giá nên phát sinh cho thuê, bán sai quy định như ý kiến bà con phản ánh” - ông Quang nói và cho rằng cần thiết phải có sự giám sát để thay đổi và trong chừng mực nào đó có chính sách hợp lý hơn để quản lý, sử dụng nhà, đất cho tốt, đảm bảo quyền lợi chính đáng của Nhà nước và người dân.

Cứu người trước, hỏi viện phí sau

Ngày 18-6, tại UBND xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, Đoàn ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ do Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 QH khóa XIV.

Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri nêu bức xúc, thắc mắc về hàng loạt lĩnh vực như giáo dục, sản xuất nông nghiệp, y tế, môi trường, giá điện, giá xăng dầu…

Cử tri Trần Thanh Phong kể việc có nơi bệnh nhân nằm bệnh viện phải nộp viện phí trước, thậm chí bị thu rất cao. “Có trường hợp người bệnh bị hẹp mạch vành, khó thở phải đóng viện phí trước 30 triệu. Sau khi xuất viện, bệnh nhân này được trả lại hơn 20 triệu, tiền viện phí chỉ có 7 triệu mà phải nộp 30 triệu. Giả sử bệnh nhân này không có tiền, vay mượn không được thì bệnh nhân đó sẽ như thế nào? Đề nghị ĐBQH có ý kiến đến Bộ Y tế xem xét vấn đề này” - ông Phong nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay sẽ chuyển ý kiến này đến bộ trưởng Bộ Y tế để trả lời. “Tuy nhiên, trong trường hợp người dân mắc bệnh hiểm nghèo, cấp cứu thì phải cứu người trước chứ không thể buộc nộp viện phí rồi mới cứu người” - bà Ngân nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm