Cử tri lo ngại tình trạng bạo lực, tệ nạn trong giới trẻ

Sáng 12-5, các ứng viên đại biểu HĐND TP.HCM khóa X, đơn vị bầu cử số 17 (TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Bình Thạnh.

Đơn vị bầu cử số 17 gồm: bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM; Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh Vũ Ngọc Tuất; Chuyên viên phòng công tác HĐND Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM Nguyễn Thi Thanh; ông Nguyễn Văn Thưởng (Thượng tọa Thích Minh Thành), Phó ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội.

Các cử tri đều gửi gắm sự tin tưởng của mình vào các ứng viên, mong các ứng viên đem hết tâm huyết của mình để góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Ứng cử viên đơn vị bầu cử số 17 tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh sáng 12-5. Ảnh: NGUYỆT NHI

Lo nạn bạo lực trong giới trẻ

Cử tri Trần Thị Huê bày tỏ mối quan tâm về việc làm sao để những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vẫn cho con em được đến trường. Theo cử tri, cần có chính sách để giúp cho đại bộ phận người lao động có tiền để chăm lo việc học hành, nâng cao dân trí.

Cử tri Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ mối quan tâm về các giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số và xây dựng chính quyền đô thị; cải thiện môi trường đầu tư; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng của TP nói chung và Bình Thạnh nói riêng.

Cử tri nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cử tri Nguyễn Thị Lệ Hoa cho rằng, hiện nay nóng nhất vẫn là tình trạng độ tuổi thanh thiếu niên vướng vào các tệ nạn xã hội. Theo cử tri, nhiều đối tượng sẵn sàng ra tay vì vài trăm nghìn đồng. Từ đó, cử tri đặt câu hỏi về các biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Cùng chung mối quan tâm về tệ nạn xã hội, cử tri Đặng Thị Việt Nữ cho rằng vấn đề xuống cấp đạo đức, gia tăng các tệ nạn, bạo lực đang ngày càng báo động. Về mặt luật pháp đã có quy định nhưng nhiều người vẫn bất chấp và vi phạm.

“Thậm chí, có những tội phạm mà số tiền án tiền sự rất nhiều, nhưng khi ra tù vẫn chứng nào tật nấy; không thay đổi và chúng ta cũng không có cách nào để giải quyết”- cử tri Nữ nói.

Nhiều ý kiến cử tri tại hội nghị gửi gắm đến nhiều nội dung như: tiền lương của giáo viên, đẩy mạnh các chính sách cho nữ giới, vấn đề môi trường, tình trạng tham nhũng…

Cần trang bị kỹ năng sống

Trả lời ý kiến của cử tri xung quanh vấn đề tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bạo lực học đường, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận: đây là vấn đề không chỉ bà con cử tri quan tâm mà cả nước, tình trạng bạo lực còn được ghi lại và khuếch tán trên mạng xã hội, gây ra sự bức xúc cho xã hội, tổn thương cho những người trong cuộc, những người làm giáo dục.

Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: NGUYỆT NHI

"Riêng với các em ở lứa tuổi cấp hai, đặc biệt là đầu lứa cấp 3, ngoài những biện pháp và quan điểm về cách ngăn chặn thì tôi muốn chia sẻ một điều. Rằng khi các em sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn thì có vấn đề về kỹ năng; khả năng diễn đạt, khả năng kiềm chế  bản thân..." - ông nói.

"Chúng ta dồn hết vấn đề về đạo đức là cũng đúng nhưng mà còn thiếu. Tôi cho rằng đây vẫn là vấn đề về kỹ năng. Việc trang bị cho con em, cho các học sinh kỹ năng ứng xử khi có mâu thuẫn, khi cảm thấy quyền lợi hoặc danh dự bị thương tổn, sự thể hiện của mình không được như ý là điều đáng quan tâm.

Tôi nghĩ rằng vấn đề này từ phía nhà trường là một phần nhưng cha mẹ, xóm giềng anh em phải chia sẻ một phần vì đôi lúc chúng ta chưa trang bị hết cho con cái mình những kỹ năng cần thiết và có cách diễn đạt tốt hơn. Nếu làm được như vậy, bạo lực có thể vẫn xảy ra nhưng ở tần suất và mức độ thấp hơn”- ông Nguyễn Đức Hiển nêu quan điểm.

Về tệ nạn xã hội, ma tuý và các tội phạm khác, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng điều này bắt nguồn từ vấn đề an sinh xã hội và từ môi trường cơ sở.

Hiện chúng ta không thiếu pháp luật để xử lý các tệ nạn xã hội, cũng không thiếu luật để xử lý tội phạm man rợ, buôn bán ma túy.

“Nhưng lợi nhuận có sức hấp dẫn riêng của nó. Nếu chúng ta sử dụng Công an, Viện kiểm sát và Tòa án là những thiết chế cần thiết để đảm bảo về mặt pháp luật nhưng dù sao đó cũng là phần cuối cùng khi chúng ta xử lý vấn đề pháp lý. Khi đó thì hậu quả thường đã xảy ra rồi nên phát hiện và ngăn chặn tội phạm từ gốc, đặc biệt hiện nay có tội phạm từ nguyên nhân xã hội, bộc phát trong đời sống”- ông Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận.

Với tư cách là nhà báo, ông Nguyễn Đức Hiển cũng đã có hoạt động cụ thể của cá nhân, cơ quan trong việc ngăn chặn bạo lực và tội phạm.

Cụ thể, ông đã đóng góp, hoàn thiện các văn bản pháp luật để có thể đi vào đời sống nhiều hơn bằng các bài viết và phân tích, phản biện; tham gia giảng dạy đào tạo kỹ năng ứng xử trên không gian số, mạng xã hội cho học sinh, sinh viên ở các trường đại học, phổ thông mà ông có điều kiện tham gia thỉnh giảng; đưa ra các kiến nghị với cơ quan nhà nước, với chính quyền.

Nếu được bà con tin tưởng, bầu chọn làm đại biểu HĐND TP, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng bản thân sẽ có điều kiện nhiều hơn để cụ thể hoá những mối quan tâm, những mối ưu tiên với lĩnh vực này.

Về chuyển đổi số, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, bản thân mỗi người sẽ tham gia vào quá trình này không chỉ với tư cách là người thụ hưởng mà còn với tư cách là chủ thể sáng tạo.

Ông thông tin, đến năm 2030, TP.HCM cố gắng có sản phẩm kinh tế số chiếm tỷ trọng 40%. Hiện, một số sản phẩm chuyển đổi số cũng đã được đẩy mạnh thực hiện ở Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao…

Ông Nguyễn Đức Hiển đánh giá, việc thực hiện chuyển đối số sẽ mở ra cơ hội cho người dân tham gia vào quá trình đó với tư cách là người lao động. Đây cũng là điều kiện cải thiện đời sống trong từng gia đình trong quá trình chuyển đổi số.

Ông nói, nếu trở thành đại biểu HĐND sẽ coi đây là mục tiêu, một mối quan tâm lớn mà ông có điều kiện tham gia góp ý kiến nghị xây dựng và giám sát các chính sách liên quan đến chuyển đổi số để phục vụ bà con tốt hơn.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cũng tiếp thu các ý kiến đóng góp của cử tri. Bà cho biết, những ý kiến của cử tri sẽ giúp các ứng viên nắm rõ được thực tế đời sống hơn.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri. Ảnh: NGUYỆT NHI

Về vấn đề cần quan tâm đến giới nữ nhiều hơn, bà Phan Thị Thắng cho biết lãnh đạo TP đều có những chính sách để hỗ trợ cho nữ giới, quan tâm đến công tác phụ nữ và hỗ trợ trong việc sinh con.

Về chính sách hỗ trợ giáo viên, bà Phan Thị Thắng thông tin nhiệm kỳ vừa qua HĐND TP có Nghị quyết để hỗ trợ một khoản tiền cho giáo viên mầm non.

Hiện Nghị quyết đó vừa hết hiệu lực và Sở Giáo dục- Đào tạo TP đang trình HĐND công nhận các nội dung đó.

 

Tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đô thị

Trả lời ý kiến của cử tri tại hội nghị về việc nếu trở thành đại biểu HĐND TP sẽ giúp ích gì cho công việc hiện tại, Chuyên viên phòng công tác HĐND Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM Nguyễn Thi Thanh cho biết, nếu là đại biểu thì tính chủ động trong công tác tham mưu sẽ cao hơn, được phát huy hơn.

Cử tri lo ngại tình trạng bạo lực, tệ nạn trong giới trẻ ảnh 5
Bà Nguyễn Thi Thanh trả lời câu hỏi của cử tri. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Tôi sẽ công chính ngôn thuận được tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các cử tri để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, các vấn đề nóng mà cử tri quan tâm ngay tại địa bàn và của toàn xã hội.

Khi tôi nắm bắt được trực tiếp, công khai quá trình tham mưu và thực hiện của tôi sẽ thuận lợi, thực tế hơn. Tính đại diện của người dân trong việc chất vấn, xây dựng kế hoạch giám sát cơ quan chính quyền thực hiện vấn đề mà người dân quan tâm sẽ chính thuận hơn”- bà Thanh chia sẻ.

Trong chương trình hành động của mình, bà Nguyễn Thi Thanh nhấn mạnh đến việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, dành thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe nhiều ý kiến, đề xuất của cử tri đối với chính quyền TP, nhất là những vấn đề bức xức của lĩnh vực đô thị, môi trường liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Thời gian tới nếu trúng cử, bà sẽ tiếp tục phát huy năng lực nghề nghiệp, chuyên môn của bản thân trong vai trò là người đại biểu nhân dân để góp sức sáng tạo, năng động, quyết liệt trong việc giám sát nhằm tăng tính hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đô thị, môi trường.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm