Cử tri bất bình vì một số cán bộ công an bảo kê cho tội phạm

Sáng 15-5, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Vụ việc lãnh đạo C50 bảo kê cho đường dây đánh bạc ngàn tỉ được phản ánh trong báo cáo của Mặt trận Tổ quốc

Dự thảo Báo cáo nhận định nhân dân đánh giá cao nỗ lực, sự quyết tâm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội của các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân nhiều địa phương còn băn khoăn, lo lắng trước tình hình tệ nạn xã hội, sử dụng và mua bán ma túy vẫn diễn ra phức tạp, nhiều vụ trọng án giết người gây hậu quả nghiêm trọng.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành và chính quyền địa phương có các biện pháp kiên quyết và kịp thời đấu tranh phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội...”- dự thảo báo cáo nêu rõ.

Đáng chú ý, dự thảo báo cáo của Mặt trận Tổ quốc cho rằng công tác bảo đảm an ninh mạng, quản lý công nghệ thông tin còn bộc lộ hạn chế, thiếu sót, tạo kẽ hở để tội phạm công nghệ trục lợi cá nhân; tình trạng đánh bạc qua mạng Internet với số lượng tiền hàng ngàn tỉ đồng diễn ra nhiều năm mà không bị phát hiện.

“Cử tri và nhân dân bất bình và bức xúc trước hành vi của một số cán bộ công an, kể cả cán bộ cấp cao đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội”- báo cáo nêu.

Phần phụ lục gửi kèm báo báo dẫn chứng vụ việc một số cán bộ của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã bao che cho nhiều đối tượng tổ chức đánh bạc trên trang bong88.com quy mô lên đến trăm tỉ đồng và vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

“Đề nghị Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác quản lý thông tin, bảo đảm an ninh mạng, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng này”- dự thảo nêu.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân cũng lo lắng, bất an trước tình hình hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra liên tiếp ở các khu chung cư, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất và hộ gia đình, gây hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người dân.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống cháy nổ; rà soát, kiểm tra những cơ sở, dự án, khu chung cư không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy, chữa cháy; làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ các cơ sở, doanh nghiệp, ban quản trị các khu chung cư cao tầng, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước, xử lý nghiêm các vi phạm”- dự thảo báo cáo kiến nghị.

Cũng theo dự thảo, cử tri và nhân dân một số địa phương tiếp tục phản ánh về các dự án đầu tư phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng có quy mô lớn đã và đang triển khai ở khu vực trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng quá tải về dân cư, gây tắc đường, ngập úng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

“Đề nghị chính quyền các thành phố cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành rà soát tổng thể và đề ra giải pháp hữu hiệu để khắc phục”- dự thảo nêu. 

“Tham nhũng vặt” đã giảm

Sáng 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, nhiều tồn tại, hạn chế nêu tại báo cáo kỳ trước đã được quan tâm giải quyết. Bà Hải dẫn chứng, để khắc phục việc lạm quyền, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, có thái độ quan liêu, vô cảm hay hiện tượng người dân phải chi phí “lót tay”… thì khi thực hiện thủ tục hành chính nhiều tỉnh, TP đã tăng cường công tác thanh tra công vụ.

“Thời gian qua hiện tượng “tham nhũng vặt” có xu hướng giảm”- bà Hải nói rồi dẫn lại đánh giá của PAPI, năm 2017 hiện tượng người dân phải chi phí “lót tay” để xin việc trong cơ quan nhà nước giảm từ 54% - 48%, chi thêm tiền để được quan tâm khám chữa bệnh giảm từ 39% - 36%.

Cũng theo bà Hải, hiện tượng nể nang, né tránh trong việc xử lý cán bộ sai phạm được phát hiện sau thanh tra, kiểm tra đã từng bước được khắc phục. Đặc biệt, việc xử lý sau thanh tra trong thời gian qua được Thanh tra Chính phủ rất chú trọng tăng cường, đẩy mạnh thực hiện. Cụ thể, đã đôn đốc, kiểm tra thực hiện gần 1,2 ngàn kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, thu hồi 67 tỉ đồng; đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 82 tổ chức, 391 cá nhân, khởi tố 53 vụ... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm