Cứ "giải cứu" hoài là phải xem lại

Ngày 15-5, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước từ năm 2016 đến nay, nhiều đại biểu đề nghị cần xem lại cách điều hành kinh tế vì vừa qua khi phải “giải cứu” quá nhiều từ dưa hấu đến thịt heo. Các đại biểu cũng cho rằng làm tốt công tác tiếp dân để không xuất hiện những “điểm nóng” như vụ Đồng Tâm vừa qua…

“Giải cứu” quá nhiều!

Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từ năm 2016 đến nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: “Tăng trưởng của quý I-2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện”.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, từ tháng 11-2016 đến nay do thương lái Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dẫn tới đàn heo đến lứa xuất bán dư thừa. Giá bán giảm mạnh xuống dưới giá thành sản xuất, thấp nhất từ trước tới nay và cũng là mức giá thấp nhất thế giới. Trong khi đó, khâu chế biến, tiêu thụ trong nước còn yếu, xuất khẩu không đáng kể. Người chăn nuôi thua lỗ, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù các ngành các cấp đã tập trung “giải cứu” nhưng ngành chăn nuôi heo vẫn gặp khó khăn, cần những giải pháp căn cơ, dài hạn.

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng việc triển khai thực thi pháp luật đất đai hiện nay  còn nhiều bất ổn, dẫn đến gây bức xúc trong dân chúng. Ảnh: QH

Về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng thời gian qua Nhà nước phải thực hiện nhiều cuộc “giải cứu” dưa hấu, thịt heo... thì cần xem lại tầm vĩ mô quản lý đã đúng chưa. Ông nói: “Cấp vĩ mô như Chính phủ lại phải lao vào “giải cứu” thì khâu dự báo đã làm tốt chưa? Tôi nghĩ nếu dự báo tốt chưa chắc phải giải cứu thế này. Từ đầu năm 2017 đến nay đã giải cứu mấy lần, như thế là quá nhiều”.

Trước tình hình này, ông Tỵ đề nghị Chính phủ phải đánh giá lại, đầu tư chỉ đạo vĩ mô dài hơi hơn, chủ động hơn, hạn chế thiệt hại cho dân. “Giải cứu phải là khi có tình huống lớn, liên quan đến thế giới, khu vực, chiến tranh hay thiên tai, chứ thông thường thế này vẫn giải cứu thì cần xem lại” - ông Tỵ nhấn mạnh.

Dân không sướng khi phải chống đối

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng cho rằng công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, việc thu hồi, bồi thường thiếu minh bạch, hợp lý tại cơ sở gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội.

“Qua vụ Đồng Tâm vừa rồi, rõ ràng vấn đề quản lý đất đai có vấn đề nên phải rà soát sao cho chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Quan trọng nhất để cho dân thấy chính sách của ta là đúng và có trách nhiệm” - Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nói. Ông Tỵ cũng đặt vấn đề khi tình huống tương tự xảy ra xử lý nhanh chóng, bởi nếu tình hình căng mà đối thoại với dân chậm thì bất lợi, càng kéo dài thì càng tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc.

Về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng lưu ý cần đánh giá rõ vấn đề người dân tập trung phản đối chính quyền thời gian qua. “Tại sao để những việc vừa qua lại nặng nề như vậy?” - Phó Chủ tịch QH đặt câu hỏi. Theo bà, chính sách, luật pháp về đất đai không phải là lý do chính dẫn đến người dân bức xúc, phản đối mà là do cách tổ chức thực thi các chính sách này. Đội ngũ cán bộ, công chức đã không giải quyết tốt, giải trình thuyết phục cho người dân.

“Tổ chức nào của chúng ta cũng có cả, được trang bị đầy đủ các điều kiện để hoạt động nhưng sao lại để dân phản đối như vậy. Dân mình vất vả chứ không sung sướng gì khi chống đối chính quyền. Vai trò, trách nhiệm với quần chúng là vấn đề rất cần bàn ở QH, không bàn hôm nay thì ra trước QH các đại biểu cũng đặt câu hỏi. Tôi tin chắc đây là vấn đề nóng” - bà Phóng nói.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật hiện nay còn nhiều vấn đề không đúng. “Ví dụ việc thông báo, triển khai thu hồi, bồi thường đất đai không minh bạch, không đúng luật. Có khiếu nại, tố cáo thì không giải quyết đúng. Khi kiểm tra, thanh tra thì cán bộ làm sai không bị xử lý…” - bà Hải dẫn chứng và cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến vấn đề bức xúc về đất đai của người dân ngày một nóng.

 

Lãnh đạo “trốn” tiếp dân

Theo Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Thanh Hải, hiện tại công tác tiếp dân cũng rất đáng báo động vì nhiều địa phương không làm đúng. Cụ thể, qua giám sát của Ban Dân nguyện cho thấy nhiều chủ tịch UBND tỉnh chỉ tiếp dân ba lần/năm trong khi quy định là 12 lần/năm, các buổi khác đều giao cho cấp phó.

Tình trạng này càng vi phạm nhiều hơn ở cấp huyện, cấp xã. Thậm chí có xã giao việc tiếp dân cho người không có thẩm quyền thực hiện. “Nếu việc tiếp dân, đối thoại tốt thì không bao giờ dẫn tới điểm nóng. Vì thế cần đưa giải pháp phải tiếp dân tốt, tăng cường xử lý thanh tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân thì việc lớn hóa việc nhỏ”.

___________________________

80% là tỉ lệ số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai trong tổng số vụ khiếu nại, tố cáo hiện nay ở các địa phương. Những năm trước tỉ lệ này chỉ có 60%-70%. Các con số trên được Trưởng ban Dân nguyện QH Nguyễn Thanh Hải cho hay tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH ngày 15-5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm