COVID-19: Đề xuất gói 20.000 tỉ ‘cứu’ hàng triệu lao động

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Được vay không tính lãi…

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất ba nhóm chính sách. Thứ nhất, các DN gặp khó khăn (từ 30% lao động và từ 100 lao động trở lên luân phiên ngừng việc) được vay tiền để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho DN 100% lãi suất khoản tiền vay vì mục đích trên. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá ba tháng, dự kiến áp dụng từ tháng 4 đến hết tháng 12-2020.

Nhóm thứ hai, hỗ trợ DN có lao động bị mất việc làm từ 10% lao động hoặc từ 50 lao động trở lên được vay tiền để trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Nhóm thứ ba, hỗ trợ NLĐ trong DN bị giải thể, phá sản. Bộ này ước tính số lao động bị thôi việc là 55.000-110.000 người (tương ứng với 3,8-7,2 ngàn DN). Dự kiến số tiền hỗ trợ trả trợ cấp thôi việc 530-1.060 tỉ đồng.

Nguồn kinh phí cho chính sách trên theo Bộ LĐ-TB&XH do các địa phương nghiên cứu, xử lý tạm ứng từ ngân sách địa phương, được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện thanh lý tài sản của DN theo quy định của pháp luật. “Trường hợp không đủ thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định...” - Bộ LĐ-TB&XH nêu đề xuất.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất thêm chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với NLĐ và DN nhỏ. Theo đó, NLĐ được vay 100 triệu đồng và 2 tỉ đồng đối với cơ sở sản xuất với lãi vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo). Thời gian vay tối đa 12 tháng, dự kiến số tiền cần huy động cho phần này là 20.000 tỉ đồng.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất ba nhóm giải pháp hỗ trợ để cứu cả người lao động và doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nên miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp

Liên quan đến vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cũng vừa có báo cáo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về tác động của dịch COVID-19 đối với DN và NLĐ.

Cụ thể, trong hai tháng đầu năm 2020, cả nước có 17.400 DN thành lập mới. Tuy nhiên, có 16.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019). Hiện nay trên 15% DN phải cắt giảm quy mô sản xuất (tháng 2-2020 là 10%).

127.242 là số lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước từ ngày 1-1 đến 18-3 (bằng 90,3% so với quý I-2019). Riêng tại TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2020 có gần 15.000 người đăng ký thất nghiệp. 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đóng cửa các khu vui chơi, giải trí, du lịch... Kéo theo đó, hàng trăm ngàn lao động bị ngừng việc, thậm chí mất việc làm. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính trong quý II-2020 sẽ có 350.000-400.000 lao động trong DN bị mất việc làm và khoảng 2-3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.

Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chính sách tạm dừng, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho DN và NLĐ.

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ miễn, giảm 100% học phí đối với học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình có người bị nhiễm dịch COVID-19. Ngoài ra, giảm 15%-20% học phí trong năm 2020 cho toàn bộ học sinh, sinh viên để chia sẻ gánh nặng với người học, góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên và phụ huynh...

Bộ này cũng đề xuất miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong sáu tháng đầu năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập…

Người lao động và doanh nghiệp đều rất lo

Chị Nguyễn Mộng Cát Tường, nhân viên của một công ty du lịch Hàn Quốc có chi nhánh ở quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết chị vừa nhận được thông báo từ phía công ty mẹ ở Hàn Quốc sẽ tạm nghỉ hai tháng, bắt đầu từ cuối tháng 3 để chờ dịch qua đi. Chị tâm sự ngay từ thời điểm dịch bùng phát mạnh ở Hàn Quốc vào tháng 2, toàn bộ tour du lịch mà du khách Hàn đặt trước tết đã bị hủy. Hiện chị phải nuôi con nhỏ nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nghỉ việc.

Hay như vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ quận Thủ Đức) hiện là công nhân của công ty túi xách da của Hàn Quốc. Cả hai vừa nhận thông báo cuối tháng này công ty sẽ giảm nhân sự. Chị Hiền cho hay nếu cả hai vợ chồng đều phải nghỉ thì chưa biết sẽ tính như thế nào, bởi kiếm việc làm thêm mùa này cũng khó.

Ông Chủ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouyen Việt Nam, cho biết trong tháng 2, Trung Quốc đóng cửa biên giới nên nguồn nguyên liệu sản xuất giày bị thiếu hụt một số chi tiết khiến công ty lao đao. Công ty buộc phải sắp xếp cho công nhân nghỉ phép năm, chuyển lao động từ bộ phận ít việc sang nơi nhiều việc, giảm giờ làm một số bộ phận để chờ nguyên liệu. Đến đầu tháng 3, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã nối lại, hy vọng về sản xuất trở lại vừa lóe lên... Tuy nhiên, đến cuối tháng 3 này, dịch đang đi đến điểm đỉnh, chưa rõ ngày xuống nên DN này rất lo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm