Công ty cấp thoát nước Quảng Nam dính sai phạm đất đai

Ngày 20-5, theo kết luận về việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam của KTNN thì nhiều khu "đất vàng" của công ty này dính đến sai phạm, sử dụng sai mục đích. 

Theo đó diện tích đất Sở TN&MT được giao theo dõi công ty này là 21,5 ha nhưng diện tích cơ quan thuế quản lý thu là hơn 21 ha.

Khu đất trụ sở Công ty cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam và Công ty TNHH MTV Thảo dược Thịnh Phước. Ảnh: THANH NHẬT.

Cụ thể, thửa đất hơn 480 m2 tại 284 Phan Châu Trinh (TP Tam Kỳ) mục đích thuê đất để làm Văn phòng nhà máy nước Tam Kỳ nhưng hiện nay đang cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, chi nhánh Quảng Nam thuê toàn bộ ngôi nhà xây dựng trên thửa đất đến năm 2028.

Trong khi đó, Văn phòng Nhà máy nước Tam Kỳ hiện hữu đang nằm trong thửa đất của Nhà máy nước Tam Kỳ tại đường Điện Biên Phủ (TP Tam Kỳ).

Thửa đất hơn 0,6 ha tại số 86 Phan Bội Châu (TP Tam Kỳ), Công ty thuê từ năm 2016 để xây dựng trụ sở Trung tâm Kiểm định chất lượng nước Quảng Nam nhưng hiện đang sử dụng làm trụ sở Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng, hội trường, kho lưu trữ công ty và là điểm đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH MTV Thảo dược Thịnh Phước là công ty con 100% vốn của Công ty CTN Quảng Nam.

Còn Trung tâm kiểm định chất lượng nước Quảng Nam mới thành lập tháng 10-2017 lại nằm trong thửa đất Nhà máy nước Tam Kỳ.

Khu đất hơn 480 m2 tại số 284 Phan Châu Trinh, TP Tam Kỳ hiện nay đang là trụ sở Ngân hàng Thương mại CP Quân đội. Ảnh: THANH NHẬT.

Thửa đất gần 0,6 ha tại 187 Lý Thường Kiệt (TP Hội An), mục đích thuê đất để kinh doanh khách sạn và dịch vụ ăn uống nhưng công ty đã cho hai đơn vị khác thuê kinh doanh khách sạn.

Khu đất tại 328 Lý Thường Kiệt (TP Hội An) gồm 2 thửa , mục đích thuê đất để xây dựng Khu dịch vụ ẩm thực Hội An nhưng công ty này đã cho hai đơn vị khác thuê kinh doanh Nhà hàng tiệc cưới và quán cà phê.

Ngoài ra, tại thửa đất hơn 1ha nhà máy nước Hội An tại 332 Lý Thường Kiệt (TP Hội An) do công ty này quản lý và sử dụng từ 11-4-2003 nhưng đến tháng 1-2019 (hơn 15 năm) vẫn chưa có quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất, chưa nộp tiền thuê đất gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Sân bóng đá mini trong Nhà máy nước Tam Kỳ. Ảnh: THANH NHẬT.

KTNN đánh giá nhiều khu đất do công ty quản lý, sử dụng không phải là công trình cấp nước nên không được miễn tiền thuế.

Đơn cử, tại thửa đất 88 Phan Bội Châu, công ty này đã xây dựng sân tennis  trên diện tích 800 m2; trong khuôn viên nhà máy nước Tam Kỳ làm sân bóng đá mini và nhà máy sản xuất nước đóng chai QNA trên diện tích hơn 0,4 ha.

Với các thiếu sót trên cùng với tính thiếu tiền thuê đất đã thu hồi từ tháng 7-2010 đến 2-2012 tại nhà máy nước Tam Kỳ, KTNN kiến nghị Cục thuế tỉnh tăng thu ngân sách nhà nước đối với Công ty CTN Quảng Nam hơn 310 triệu đồng.

Đặc biệt, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét năng lực tài chính, kinh doanh của công ty trong lĩnh vực khách sạn, ẩm thực để tiếp tục cho công ty thuê đất (nếu đủ năng lực kinh doanh) hoặc thực hiện thu hồi ba thửa đất hơn 1 ha tại Trung tâm TP Hội An.

Đồng thời, ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty CTN Quảng Nam đã bàn giao cho UBND TP hội An làm bãi đỗ xe và chỉ đạo các cơ quan chức năng truy thu tiền thuê đất trong thời gian công ty này quản lý, sử dụng thửa đất hơn 1ha tại 332 Lý Thường Kiệt.

Chiều 20-5, chúng tôi liên hệ với ông Ngô Đức Trung (Tổng Giám đốc Công ty CTN Quảng Nam) nhưng bất thành.

Chiều 20-5, trao đổi với PLO, liên quan đến kết luận của KTNN và Khu đất (lô A51 và A52) của gia đình cựu Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Vũ Ngọc Hoàng. Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh vừa nhận báo cáo của KTNN tuần vừa rồi. Hiện tại ông đã ký văn bản đề nghị thanh tra.

“Trong báo cáo của KTNN có nhiều việc nhưng đối với nội dung hai lô đất đó người ta kiến nghị UBND tỉnh giao cho cơ quan thanh tra kết luận làm rõ việc đúng sai. Bởi vì đã xảy ra thời gian từ  tháng 3–2013, đến giờ là 6 năm 2 tháng rồi. Quá trình như thế chứ không phải một mai một chiều, qua nhiều giai đoạn khác nhau, về luật cũng khác nhau, về cách xử lý khác nhau”, ông Thu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm