Công trình xây dựng kém chất lượng: Hai ngày có... một “hố tử thần”

“Sự bùng nổ về số lượng công trình xây dựng khiến cả TP như một công trường ngổn ngang, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải xem xét”. Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nhận xét tại hội thảo Quản lý chất lượng công trình xây dựng trong giai đoạn hội nhập do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức, ngày 8-12.

Một con đường nhiều đơn vị quản lý

Ông Hùng bày tỏ lo ngại về vấn đề lún sụt trong thời gian qua, từ lún sụt đất nền khi công trình thi công tầng hầm đến lún trên đường bộ. Đặc biệt, trong khoảng bốn tháng qua, liên tiếp xảy ra các vụ lún sụt mặt đường. “Ở đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM có những con đường mới chỉ sử dụng một năm đã lún tới 30 cm. Còn lún sụt mặt đường thì trong bốn tháng qua xảy ra hơn 50 vụ. Nguyên nhân được liệt kê rất nhiều nhưng còn giải pháp thì sao?” - ông Hùng đặt vấn đề.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu, đường, cảng TP, thống kê: Từ tháng 7 đến nay, toàn TP đã xuất hiện 57 “hố tử thần”, trung bình hai ngày xảy ra một vụ. Ông Trường cho biết TP đã thành lập một đoàn chuyên gia về địa chất, nền móng, xây dựng… để đánh giá toàn diện về nguyên nhân xuất hiện ồ ạt “hố tử thần” như vừa qua.

Công trình xây dựng kém chất lượng: Hai ngày có... một “hố tử thần” ảnh 1

Xe đầu kéo của doanh nghiệp Hải Trường Thành bị sụp hố và lật ra đường Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức trưa 12-10. Ảnh: V.THUẬT

Theo thống kê sơ bộ, có ít nhất 28 vụ lún sụt mặt đường là do ống cấp nước, cống thoát nước cũ bị xì, bể, hở mối nối. Kỹ sư Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận xét: Đang có hiện tượng “tư duy ngành” trong các cơ quan quản lý nhà nước. “Trên con đường có rất nhiều đơn vị quản lý, từ cấp nước, thoát nước, viễn thông, chiếu sáng... Ngành nào cũng chỉ lo thực hiện công việc của mình. Nếu thiếu một chỉ huy trưởng, tình trạng lún sụt sẽ còn tiếp diễn” - ông Đực nói.

Có mặt tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP, cho hay: Tại kỳ họp HĐND đang diễn ra, TP sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu về quản lý các công trình xây dựng, trong đó có các “hố tử thần”. Tuy không đồng ý với cách gọi “hố tử thần” nhưng ông Tài cho biết TP rất quan tâm và nhận trách nhiệm về vấn đề này. “Rất mong tại hội thảo các chuyên gia sẽ trao đổi về chuyên môn, giải pháp kỹ thuật để đóng góp với TP” - ông Tài nói.

Chưa hoàn thiện vẫn được nghiệm thu

Về vấn đề quản lý chất lượng công trình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Nguyễn Văn Hiệp nhận xét: “Không ít công trình vốn ngân sách nhà nước chưa hoàn thiện nhưng vẫn được nghiệm thu. Cụ thể như việc lún sụt trên các tuyến đường đã đặt cống ngầm, tái lập mặt đường ngổn ngang, thi công các hố ga trên mặt đường không đạt chuẩn…”. Ông Hiệp cũng lưu ý hiện có tình trạng đơn vị tư vấn, kể cả nhà thầu có quan hệ “dễ chịu”, thậm chí là sân sau của chủ đầu tư. Do đó, chủ đầu tư thường chậm hoặc lúng túng khi xử lý vi phạm.

170.000 tỉ đồng là tổng số vốn đầu tư phát triển của TP mỗi năm, chưa kể nhà ở riêng lẻ của người dân và công trình của trung ương.

Ông Lê Quang Hùng 
phát biểu tại hội thảo

Ông Hiệp cho rằng các quy định về quản lý, xử phạt trong xây dựng khi thì quá chặt, lúc lại quá lỏng. Nhiều hành vi chưa có quy định xử phạt, như giám sát để công trình thi công không an toàn hoặc tư vấn quản lý dự án sai phạm cũng chưa có hình thức chế tài. Trong khi đó, quy định xử lý sự cố lại quá ngặt. “Thông tư 27/2009 yêu cầu khi có sự cố, chủ đầu tư phải báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước trong vòng 24 giờ, nếu không sẽ bị phạt. Trong lúc chủ đầu tư lúng túng, bối rối mà bắt báo cáo ngay sẽ gây khó cho họ. Chưa kể, luật còn chia ra ba cấp sự cố, hễ sự cố cấp này thì phải báo cho cơ quan này rất phức tạp và khó xác định. Chi bằng để đơn vị quản lý nhà nước cấp địa phương báo cáo và không cần phải phân loại sự cố cấp nào” - ông Hiệp đề nghị.

Lãnh đạo Sở Xây dựng còn nhắc lại kiến nghị với Bộ Xây dựng hướng giải quyết trong tình huống bên gây sự cố không thể đáp ứng được yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên bị sự cố. “Quy định là phải bồi thường xong mới cho xây tiếp nhưng đã có trường hợp bên bị hại cố tình làm khó, đòi bồi thường đủ thứ thiệt hại nên không thỏa thuận được. Công trình cứ để trôi nổi đó, bên gây hại trở thành bên bị thiệt hại” - ông cho hay.

Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị UBND TP biện pháp xử lý theo hướng: Bên gây hại lập tài khoản độc lập để gửi số tiền bồi thường do mình đề xuất, bao gồm cả thiệt hại về vật chất, kinh tế, tinh thần để sẵn sàng chi trả về sau. Sau đó, công trình được phép thi công trở lại.

Ba sự cố công trình có tầng hầm gần đây tại TP

- Tháng 4-2009, cao ốc Times Square thi công tầng hầm làm hư hại bốn công trình lân cận. Trong đó, một nhà tiếp giáp bị hư hại 100%.

- Tháng 1-2010, cao ốc M&C khi thi công tầng hầm thứ ba đã làm sụp đổ hai căn nhà trên đường Hàm Nghi, quận 1.

- Tháng 9-2010, cao ốc Waseco thi công tầng hầm cũng xảy ra lún sụt, công trình phải gián đoạn thi công.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm